Sự sáng tạo của các vị làm luật ở Việt Nam lúc nào cũng làm tôi kinh ngạc.
Lúc mới về Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi thấy mấy cái vạch trắng trên đường lộ (dành cho người đi bộ băng qua đường) chẳng có ý nghĩa gì cả!
Tôi bước xuống lằn vạch đó, nhưng chẳng thấy chiếc xe nào nhường mình. Chẳng những không nhường, họ còn tỏ thái độ như mình đang cản đường họ, và họ lái xe kiểu như muốn đụng thẳng vào người mình. Sợ thiệt.
Đứng một lúc, tôi mới phát hiện một ‘bí quyết’. Tôi thấy người qua đường giơ hai tay lên trời, rồi nhìn tài xế như van xin ‘làm ơn cho tôi qua.’
Tôi làm y chang và đã sống sót khi băng qua đường.
Cái động tác giơ/vẫy tay đó tôi cứ tưởng là 'luật bất thành văn'. Có nơi nào (ngoại trừ Việt Nam?) làm vậy đâu.
Vậy mà, ngày nay cái cách vẫy tay đó đã thành … luật!
Báo Tuổi Trẻ viết: “Căn cứ theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay, hoặc không tuân thủ đèn tín hiệu thì sẽ bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.”
Tôi không nghĩ ra là nếu tôi băng qua cái lằn vạch dành cho người đi bộ mà bị phạt chỉ vì tôi không giơ / vẫy tay?
Đó là đường dành cho tôi, người đi bộ, tại sao tôi phải van xin bằng cách vẫy tay? Nghĩ không ra.
Còn băng qua đường *không* có lằn vạch trắng dành cho người bộ hành thì sai rồi. Và, nguy hiểm. Cho dù có vẫy tay hay không, thì vẫn là sai / vi phạm luật giao thông. Tại sao phạt người không vẫy tay mà không phạt người vẫy tay (cả hai đều vi phạm)? Nghĩ không ra.
Trong thực tế, băng qua đường ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội là rất nguy hiểm.
Ngay cả với luật giao thông mới và ngay cả vẫy tay xin đường, tài xế vẫn không nhường người đi bộ. Tôi chắc điều này vì đã trải nghiệm nhiều năm ở đây.
Do đó, đừng nghĩ vẫy tay để băng qua đường là an toàn. Coi chừng 'Lần đầu cũng là lần cuối' đó nghen [1]:
"Vẫy tay, vẫy tay chào nhau, một lần đầu và một lần cuối,
Vẫy tay, vẫy tay chào nhau, một lần cuối và trọn cuộc đời."
Rồi thôi …
***
[1] Xin mượn tên một ca khúc của Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và cái note của anh Mai Bá Kiếm.
Nguyễn Tuấn