Năng lượng mặt trời đang trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng và Trung Quốc đang tận dụng tối đa tiềm năng này.
Hình ảnh từ hai vệ tinh quan sát Trái Đất do Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) vận hành đã tiết lộ sự mở rộng nhanh chóng của các trang trại năng lượng mặt trời tại sa mạc Kubuqi, một khu vực xa xôi ở phía bắc Trung Quốc.
Theo Đài quan sát Trái Đất, việc xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời này là một phần trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm tạo ra một “bức tường lớn năng lượng mặt trời” để cung cấp đủ năng lượng cho Bắc Kinh. Mặc dù không phải toàn bộ năng lượng này sẽ được cung cấp trực tiếp cho thủ đô, nhưng Bắc Kinh hiện có khoảng 22 triệu dân, gấp hơn 2,5 lần so với dân số của Thành phố New York (Mỹ).
Hai hình ảnh vệ tinh Landsat cho thấy sự mở rộng đáng kể của năng lượng mặt trời tại Kubuqi từ năm 2017 đến 2024. Và tổ hợp năng lượng mặt trời này vẫn đang phát triển. Theo NASA, dự kiến vào năm 2030, tổ hợp năng lượng mặt trời này sẽ có chiều dài 400Km và rộng 5Km.
Mặc dù hiện tại, nguồn năng lượng chủ yếu của Trung Quốc vẫn là nhiên liệu hóa thạch, với than, dầu và khí đốt chiếm 87% tổng cung cấp năng lượng tính đến năm 2022, nhưng quốc gia này đang nhận thấy giá trị trong việc mở rộng năng lượng tái tạo. Tính đến tháng 6/2024, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công suất trang trại năng lượng mặt trời với 386.875 megawatt, chiếm khoảng 51% tổng công suất toàn cầu. Mỹ đứng thứ hai với 79.364 megawatt (11%), tiếp theo là Ấn Độ với 53.114 megawatt (7%).
Các chuyên gia năng lượng cho rằng cùng với năng lượng gió, năng lượng mặt trời là một phần quan trọng trong nguồn cung cấp năng lượng tái tạo, giúp giảm chi phí năng lượng. Mặc dù nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu năng lượng hiện nay nhưng tính kinh tế của năng lượng mặt trời đang ngày càng trở nên rõ ràng, như được chứng minh qua các hình ảnh vệ tinh từ sa mạc Kubuqi.