Vashna Thiên Kim đối mặt với vô số hiểm nguy và khó khăn dọc hành trình 21 ngày chinh phục đỉnh Kala Patthar 5.600 mét thuộc dãy Himalaya hùng vĩ.
Vashna Thiên Kim (sinh năm 1991) phát hiện mắc ung thư cách đây vài năm. Sau quá trình điều trị, cô dành thời gian tìm hiểu về môi trường và những tác động của ô nhiễm môi trường với sức khỏe con người cùng hệ sinh thái. Cuối tháng 12, Thiên Kim quyết định chuyến hành trình leo Himalaya để thử thách giới hạn bản thân về cả thể chất và tinh thần.
"Từ khi bắt đầu ý định cho dự án này đến khi thực hiện chỉ vỏn vẹn chưa đầy hai tháng. Là người sinh sống trong khí hậu nhiệt đới ấm áp, tôi rất ít khi được trải nghiệm không khí lạnh. Tôi cũng không phải là một vận động viên được huấn luyện bài bản, do đó, tôi đã tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn nhất để thử thách bản thân", cô cho biết.
Chuyến đi kéo dài 21 ngày, từ 23/12/2024 đến 12/1/2025 với đích đến là Kala Patthar, một ngọn núi đá nằm trên dãy Himalaya, nằm ở phía Đông của đỉnh Everest, có độ cao hơn 5.600 mét, một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất. Vào giữa mùa đông (từ tháng 12 đến tháng 2), nhiệt độ nơi đây có thể xuống qua -30 độ C, gió mạnh, tình trạng thiếu hụt oxy trầm trọng và nguy cơ xuất hiện những cơn bão tuyết.
Thiên Kim chi khoảng 120 triệu đồng cho chuyến đi lần này.
Với những đỉnh núi ở độ cao từ 6.000 mét trở lên, người leo được yêu cầu phải có những kỹ năng đặc thù như leo núi, đu dây bởi địa hình rất dốc. Do chưa có kinh nghiệm, cô gái quê TP HCM và bạn đồng hành chọn đỉnh núi này để chinh phục. Thiên Kim mua tour được thiết kế riêng với nhóm nhỏ du khách, có người hỗ trợ. Tổng chi phí chuyến đi, bao gồm vé máy bay và thiết bị bảo hộ khoảng 5.000 USD (hơn 120 triệu đồng) một người.
Trước khi khởi hành, du khách phải ký vào một cam kết "sinh tử", tự chịu trách nhiệm nếu gặp bất trắc trong suốt chuyến đi. Trong nhiều ngày trên đỉnh núi, Thiên Kim phải đối mặt với vô số khó khăn, thử thách ngoài sức tưởng tượng. Đầu tiên là nhiệt độ hạ thấp, cứ mỗi hai ngày leo núi, nhiệt độ lại giảm tới 10 độ C, khiến cơ thể thích nghi không kịp.
"Mỗi đêm, tôi đều không thể ngủ được vì quá lạnh đến đóng băng, xung quanh không có bất kỳ hệ thống sưởi nào. Khi vừa kịp đi vào giấc ngủ được vài tiếng thì lại đến giờ thức dậy vào sáng sớm để tiếp tục chuyến hành trình. Càng lên cao, không khí càng loãng, khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn, dễ rơi vào trạng thái thiếu oxy trầm trọng, tức ngực, khó thở, tâm trí mù mờ, đôi lúc còn dẫn đến ảo giác, đau đầu. Thậm chí, tôi còn từng bị sốt cao khi vừa bắt đầu hành trình vài ngày, tới ngày thứ 5 đã muốn bỏ cuộc nhưng sau đó đã cố gắng lấy lại tinh thần", du khách nhớ lại.
Không có chỗ nghỉ cố định, nhiệt độ thấp khiến nước đóng băng nên hầu hết người leo núi đều không thể tắm giặt, đánh răng, gội đầu, ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần. Mỗi người đều phải mặc 3-4 lớp quần và 5-7 lớp áo. Đối diện với thời tiết khắc nghiệt, Thiên Kim từng bị bỏng lạnh, tê liệt thần kinh và đau, ngứa toàn thân, bị chảy máu mũi hàng ngày do quá hanh khô, sưng toàn thân, nhất là tay, chân và mặt. Đi bộ nhiều, phải đeo 2-3 lớp tất chân, vài ngày mới thay một lần và đeo hai lớp găng dày khiến chân tay bị phồng rộp, cơ thể dễ bị tích nước.
Suốt quãng đường, chuyện ăn uống cũng là vấn đề khá nan giải. Do khí hậu lạnh không thể canh tác nên thực phẩm khu vực này khá khan hiếm, phải có trâu, bò vận chuyển thực phẩm từ chân núi lên nhưng cũng chỉ có gạo, khoai tây, mì, trứng, và cà chua cùng các loại đậu. Thực phẩm thường chỉ có chapati, loại bánh mì dẹt cán mỏng ở các đất nước vùng Nam và Tây Á như Ấn Độ, Nepal, Pakistan và súp loãng với trứng hoặc cà chua, tỏi, đôi khi đổi món với mì xào hoặc khoai tây nghiền ăn với ớt chưng. Ăn các thực phẩm này, không có rau củ, trái cây, cộng với thời tiết hanh khô đã khiến nhiều du khách bị táo bón.
Từ Gorakshep (trạm dừng chân cuối cùng trước khi lên tới các đỉnh núi trên 5.000 m) đến đỉnh Kala Patthar chỉ có khoảng cách 200 mét nhưng cả đoàn đã phải dành ba tiếng để leo núi vì địa hình hiểm trở và khó khăn, kèm theo gió lớn liên tục thổi đến mức có thể xô ngã người, bụi cuốn lên khiến tầm nhìn hạn chế. Tuy nhiên, cô cho biết mọi thứ đều trở nên đáng giá khi lên đến đỉnh bởi đây là nơi có view ngắm nhìn đỉnh Everest rõ nhất, đẹp nhất, cùng các đỉnh tiêu biểu như Lho La (6.006 mét), Nuptse (7.861 mét) và Everest (8.848 mét).
"Himalaya mang một vẻ đẹp không nơi đâu có thể sánh bằng. Vào mùa đông, dãy núi hiện lên như một bức tranh hùng vĩ và kỳ diệu. Những ngọn núi cao chót vót được phủ kín bởi lớp tuyết trắng xóa, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Không gian yên tĩnh đến lạ kỳ, chỉ có tiếng gió lạnh rít qua khe núi và tiếng tuyết rơi nhẹ nhàng trên mặt đất. Thỉnh thoảng dọc đường đi, chúng tôi lại bắt gặp những ngôi nhà gỗ đơn sơ của người dân bản địa, được quây xung quanh bởi những khu vườn cỏ tự nhiên, với những chú bò Yak đeo chiếc lục lạc trên cổ, tạo nên những âm thanh như chuông reo, báo hiệu cho chúng tôi biết rằng ở nơi đó có sự sống của người dân. Mùa đông ở Himalaya không chỉ là sự khắc nghiệt của tự nhiên mà còn mang đến cảm giác bình yên", Vashna Thiên Kim chia sẻ.
Cô gái 34 tuổi còn thực hiện một thử thách không tưởng: Ngồi thiền 60 phút trong thời tiết khắc nghiệt mà không sử dụng bất kỳ phương tiện hỗ trợ nào, chỉ mặc một lớp áo mỏng. Hành động này chỉ có thể thấy ở những tu sĩ, đạo sư Tây Tạng với quá trình rèn luyện, khổ luyện trong thời gian dài. Để có đủ sức khỏe, Thiên Kim cho biết đã áp dụng phương pháp hít thở đặc biệt mang tên HaaMa Breath, sử dụng cả mũi và miệng khi thở, tạo ra âm thanh, kết hợp với các động tác cơ thể giúp giải phóng cảm xúc tiêu cực, năng lượng dư thừa, đào thải những độc tố tích tụ.
"Trong chuyến đi này, việc sử dụng phương pháp thở HaaMa đã giúp tôi tích trữ một lượng oxy lớn hơn rất nhiều trong cơ thể, đồng thời giúp lưu thông những mạch máu bị tắc nghẽn trong cơ thể do nhiệt độ quá lạnh, từ đó, giảm triệu chứng sưng tấy toàn thân, đau đầu, tức ngực, khó thở và tỏa nhiệt khiến cơ thể tôi bớt lạnh cóng", cô chia sẻ.
Vashna Thiên Kim ngồi thiền trên đỉnh núi.
Với những người chuẩn bị có chuyến hành trình leo núi tuyết tương tự, Vashna Thiên Kim khuyên nên mang theo quần giữ nhiệt, quần ống rộng nhiều túi (có thể là dạng quần vải dù, tháo ống được, linh hoạt trong trường hợp cảm thấy nóng khi di chuyển và muốn được thoáng khí thì có thể tháo nửa ống quần dưới), quần leo núi chống gió, chống nước (có thể chọn quần trượt tuyết vì nó có những đặc điểm tương tự và rất ấm).
Với áo, bạn nên mặc nhiều lớp như với quần để khi đi nếu nóng có thể dễ dàng cởi dần ra để tản nhiệt, nên mặc 5-6 lớp theo thứ tự: Áo giữ nhiệt, áo cộc tay mỏng, áo dài tay mỏng, áo khoác mỏng, áo nỉ có khóa kéo, áo khoác phao lông vũ, áo khoác dày đến siêu dày, chống gió và chống thấm. Mỗi người cần đi hai lớp găng tay, một lớp găng tay bên trong chống trượt và một lớp găng tay dày bên ngoài (như găng tay trượt tuyết) để đi chống gió, giữ ấm. Thiên Kim đã tốn tới 50 triệu đồng cho các trang phục và thiết bị bảo hộ.
Trong chuyến đi, các sherpa (người hỗ trợ) đã chuẩn bị một bộ đồ ngoài, gồm quần phao và áo khoác phao dày chống gió và chống thấm cho du khách. Bạn cũng không thể đem quá nhiều quần áo vì không thể xách quá nặng, chuyến bay bằng trực thăng đến chân núi cũng có giới hạn trọng lượng hành lý. Bên cạnh đó, túi ngủ cũng là vật dụng cần thiết vì tất cả nhà trọ, trạm nghỉ trên đường đều không có hệ thống sưởi.
Du khách cần mang kem chống nắng và các loại son dưỡng, kem dưỡng thể vì thời tiết rất lạnh và khô. Bạn chọn loại giày leo núi có chống nước, chống thấm, dày dặn và vừa vặn, thoải mái với đôi chân của bạn vì sẽ leo núi 5-7 tiếng mỗi ngày. Phái nữ nên chọn đi vào những ngày không có kỳ kinh nguyệt vì vấn đề vệ sinh trên đường đi sẽ rất bất tiện và hầu hết các nhà trọ không có chỗ tắm hoặc nếu có thì cũng rất lạnh.
Về tiền, bạn rút tiền mặt ở thủ đô Kathmandu và chân núi, có rất nhiều cây ATM. Giao dịch mua bán ở đây chủ yếu bằng tiền mặt và dùng tiền mặt cũng tiện lợi hơn nhiều. Trên đường đi, bạn sẽ cần chi tiền cho việc ăn uống, mua thêm một số vật dụng cá nhân.