Với những người sống phụ thuộc chủ yếu vào lương, nếu không lập ngân sách cuộc sống dễ rơi vào khủng hoảng.
Việc lập ngân sách có thể giúp bạn kiểm soát các hóa đơn, tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp và nghỉ hưu, đồng thời xác định những khoản có thể cắt giảm. Ngoài ra, việc lập ngân sách đảm bảo tiết kiệm thường xuyên đồng thời giúp đạt được các mục tiêu tài chính trong tương lai.
Với những người mới đi làm, thu nhập chưa cao, nên chọn quy tắc 50% cho chi phí cần thiết, 30% cho các hoạt động giải trí và 20% cho tiết kiệm.
Khi thu nhập tăng lên, có thể chuyển sang áp dụng quy tắc "chia ví" theo 6 phần: 55% cho nhu cầu thiết yếu, 10% cho đầu tư, 10% cho tiết kiệm dài hạn, 10% cho phát triển bản thân, 10% cho hưởng thụ và 5% cho từ thiện.
Ưu tiên trả nợ và trả nhiều hơn khi có thể
Thông thường, trả nợ càng nhanh thì tổng nợ cả lãi phải trả càng ít. Bởi vậy hãy tập trung mọi khoản tiền bổ sung vào khoản nợ có lãi suất cao nhất để có thể đẩy nhanh toàn bộ quá trình trả nợ.
Trả hết nợ là một mục tiêu tốt, nhưng trả hết nợ vào một ngày cụ thể thậm chí còn tốt hơn. Có nhiều công cụ trực tuyến có thể giúp bạn biết chính xác bao nhiêu tháng để trả hết nợ, theo lãi suất hiện tại và các khoản thanh toán hàng tháng.
Chỉ cần nhớ rằng mục tiêu của bạn là giảm nợ, để sau đó bạn có thể sử dụng tiền cho các mục đích khác như tiết kiệm, đầu tư.
Tiết kiệm trước, chi tiêu sau
Mọi người thông thường sẽ tiết kiệm sau khi đã bỏ ra các khoản chi phí cần thiết. Tuy nhiên, người giàu thường làm ngược lại. Dựa trên thu nhập của mình, họ sẽ dành riêng một tỷ lệ nhất định cho cộng đồng, một tỷ lệ nhất định cho các khoản đầu tư sinh lãi và sẽ chỉ tiêu với số tiền còn lại.
"Đừng tiết kiệm sau khi đã chi tiêu, mà hãy chi tiêu sau khi đã bỏ riêng ra một khoản tiết kiệm", tỷ phú Warren Buffet nói.
Bởi vậy nên để một khoản tiền vào tài khoản tiết kiệm ngay khi vừa nhận lương và xem đây là một phần tiền mặc định không dùng để chi tiêu. Sau đó hãy phân bổ phần tiền còn lại để lên kế hoạch tài chính cá nhân. Số tiền tiết kiệm cố định này nên dao động 5 - 10% thu nhập hàng tháng.
Không mua hàng theo cảm tính
Chi tiêu theo cảm xúc xảy ra khi bạn mua đồ trực tuyến hoặc trực tiếp lúc cảm xúc dâng cao như đang buồn, cô đơn, lo lắng chán nản hoặc cảm thấy giá trị bản thân thấp kém. Cách chi tiêu này có tác động tiêu cực với mục tiêu tài chính cá nhân dù trước đó ngân sách đã được thiết lập.
Cách tốt nhất là xóa các ứng dụng mua sắm khỏi điện thoại. Nếu không thể tin tưởng bản thân không ghé thăm các cửa hàng trực tuyến, nên cài đặt trình chặn trình duyệt. Cũng có thể tự thiết lập thử thách không chi tiêu trong khoảng thời gian nhất định. Ban đầu, thử thách này có thể là một thách thức nhưng cần kiên trì và bạn sẽ ngạc nhiên về số tiền có thể tiết kiệm sau đó.
Sử dụng tiền mặt
Nghe có vẻ bất hợp lý nhưng việc sử dụng tiền mặt được chứng minh có thể hạn chế chi tiêu bốc đồng bằng cách tạo ra một rào cản tâm lý. Theo đó, khi nhìn thấy những tờ tiền giấy rời khỏi ví, bạn sẽ khó từ bỏ chúng hơn. Sự cám dỗ chi tiêu bốc đồng vì thế giảm dần. Nó giống như một cuộc kiểm tra thực tế về ngân sách, khiến bạn phải cân nhắc xem mình có thực sự cần chi số tiền đó hay không.
Tuy nhiên, cách chỉ dùng tiền mặt có thể không thực tế đối với các giao dịch như thanh toán tiền thuê nhà hoặc hóa đơn tiện ích, do hiện tại rất phổ biến phương thức thanh toán online. Vì thế, hãy xem xét phương pháp chỉ dùng tiền mặt cho các chi phí mang tính tùy ý như đi ăn ngoài, mua sắm quần áo hoặc giải trí.
|