Người bệnh ung thư đang hóa, xạ trị tránh các món nặng mùi, nhiều dầu mỡ vì dễ buồn nôn, nên tăng cường protein từ trứng, cá, bổ sung rau quả thường xuyên.
Người bệnh ung thư thường có nhu cầu dinh dưỡng cao nhằm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe khi hóa, xạ trị. Một số lưu ý khi ăn uống góp phần giúp người đang hóa, xạ trị, duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Người bệnh nên tăng cường thực phẩm giàu calo và protein để tránh mất cơ, nhận đủ năng lượng cần thiết và ngăn thiếu hụt vi chất. Nên ưu tiên protein từ trứng, cá, các loại đậu. Ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu thay vì quá nhiều thịt đỏ.
Thuốc hóa, xạ trị có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột. Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu probiotic từ sữa chua, rau xanh để tăng lượng chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định.
Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên hơn thay vì ba bữa chính mỗi ngày. Chia nhỏ lượng thức ăn làm giảm tác dụng phụ liên quan đến điều trị như buồn nôn. Dùng đồ ăn uống ở nhiệt độ phòng hoặc lạnh hơn để giảm buồn nôn. Tránh những nơi có mùi nấu nướng và nhờ người khác chuẩn bị bữa ăn (nếu được). Hạn chế các món tanh cũng bớt cảm giác buồn nôn.
Người đang xạ trị, hóa trị nên cố gắng thêm cá vào thực đơn 1-3 lần một tuần. Cá chứa nhiều protein và axit béo omega-3 đều cần thiết cho sức khỏe, nhất là người bệnh ung thư.
Rau quả cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa quan trọng, vị ngọt dễ chịu giúp người bệnh bớt chán ăn. Một số quả như táo, lựu, anh đào còn có khả năng ức chế, ngăn ngừa ung thư phát triển. Sinh tố và nước ép cung cấp nước và chất xơ, protein khi người bệnh chán ăn hoặc khó nhai.
Trong thời gian điều trị, người bệnh cần hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, thịt chế biến sẵn, nhiều muối. Bởi quá trình điều trị ung thư như hóa, xạ trị có thể dẫn đến tác dụng phụ như mất nước, sốt và nôn mửa. Nhóm thực phẩm trên chứa nhiều muối, chất bảo quản có thể thúc đẩy các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Các món ăn uống khác nên tránh như đồ tráng miệng có đường, kẹo, đồ chiên nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas, chứa caffein, rượu bia.
Để tránh ngộ độc thực phẩm, người ung thư tránh thực phẩm chưa nấu chín hoặc thực phẩm tái. Tùy vào thể trạng, cơ địa, mỗi người có chế độ ăn uống riêng. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể, hỗ trợ cơ thể hồi phục sau điều trị.
|