Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại kỳ họp bất thường thứ 9, với 459/460 đại biểu tán thành.
Theo đó, Quốc hội cho phép Thủ tướng Phạm Minh Chính được quyền giao chủ đầu tư thực hiện dự án, và cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu hợp đồng "chìa khóa trao tay" khi xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế.
Chỉ định thầu được áp dụng quy trình rút gọn với các gói tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như lập, thẩm tra báo cáo cứu tiền khả thi, hồ sơ duyệt địa điểm, báo cáo nghiên cứu khả thi..., cũng như tư vấn chủ đầu tư đàm phán, ký, quản lý hợp đồng chìa khóa trao tay và giám sát thi công.
Liên quan phương án tài chính, thu xếp vốn, nghị quyết của Quốc hội cho phép Chính phủ được phép đàm phán với Chính phủ các đối tác thực hiện để có vốn theo nhu cầu, cam kết của nhà tài trợ nước ngoài. Chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi (không phải chịu rủi ro tín dụng, không phải lập đề xuất chương trình, dự án dùng vốn ODA, vay ưu đãi…).
Với Ninh Thuận, nơi xây dựng dự án, Quốc hội đồng ý hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Ninh Thuận 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án.
Tỉnh này cũng được vay lại ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Ngoài ra, Quốc hội cho phép Ninh Thuận đền bù gấp 1,5 lần mức cao nhất khi thực hiện thu hồi đất cho dự án nhà máy điện hạt nhân.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được tái khởi động sau tám năm tạm dừng , với hai nhà máy số 1 và 2 đặt tại xã Phước Hải và Vĩnh Hải.
Dự kiến nhà máy đầu tiên vận hành (phát điện) năm 2030, chậm nhất cuối 2031.