Sáng 30 tết, đường hoa bến Bình Đông (Q.8 TP.HCM) nhộn nhịp khác thường. Lượng người tràn ngập đã nêm chặt con đường kéo dài hơn 4km.
Rẻ cũng phải bán
Vì chỉ còn một đêm cuối cùng của năm cũ, lượng người từ khắp nơi đổ về bến Bình Đông càng lúc càng nhiều. Trong khi các chợ hoa khác vắng khách thì đường hoa bến Bình đông càng lúc càng trở nên nhộn nhịp. Suốt một đoạn 4km của bến Bình Đông từ phường 11 đến phường 15 hoa trên bến dưới thuyền muôn màu muôn sắc rực rỡ dưới ánh nắng.
Giải thích cho việc đông bất thường này, anh Lê Văn Thịnh (35 tuổi ngụ Cái Mơn Bến Tre), chủ một gian hàng hoa cho biết hoa tại đây được lấy từ gốc chở bằng thuyền đến bán tận ngọn nên giá tương đối rẻ hơn bất cứ nơi nào trong thành phố. Hơn nữa, là hoa của nhà vườn mang lên nên có nhiều chủng loại được bảo quản chăm sóc kỹ nên chất lượng khá cao đã thu hút nhiều người.
Đường hoa Bến Bình Đông
Cây quất cảnh
Chậu quất này giá 4tr đồng được giao cho khách
Muôn vạn sắc hoa
Hơn nữa năm nay chính quyền địa phương mở rộng khu vực bán buôn nên thu hút được cả nhiều người bán lẫn người mua.
Tại một điểm bán tắc kiểng, hai người đàn ông đã dùng dây đai và đòn gánh khiêng một chậu tắc bỏ lên xe cho khách hàng. Chậu tắc trĩu quả, khá lớn cao hơn đầu người gốc phải đến hai người ôm được bán với giá 4 triệu đồng. Chậu tắc vừa khiêng đi, chỗ trống được lấp đầy bằng một chậu khác được chuyển từ trên ghe lên bờ.
Trên đường, người đi bộ hòa lẫn với xe máy và hoa đã tạo thành một hoạt cảnh vô cùng nào nhiệt. Mặc dù tắc đường nhưng không ai bảo ai, nhường nhịn lẫn nhau bởi trên tay họ là những chậu hoa với cành lá vươn rộng. Một va chạm nhỏ, gãy đi một cành là mất đi những niềm vui trong nhửng ngày tết đến. . .
Anh Đinh Minh Tuyến, bán mai tết tâm sự với chúng tôi: “Gian hàng em có mặt đầu tiên tại đây từ hôm 20 tết. Năm nay lượng hoa lên thành phố ít hơn năm ngoài nhưng không vì vậy mà giá cả lên cao. Cũng một chậu mai năm ngoái bán 100.000đ thi năm nay chỉ còn 60.000đ. Cũng phải bán thôi anh ạ. Không đến nỗi lỗ vốn chỉ mong kiếm được đủ ăn cầm cự làm vụ mùa năm sau.
Ông đồ . . . dưa hấu
Lọt thỏm giữa rừng hoa là gian hàng dưa hấu. Có lẽ đây là gian hàng lạc điệu trong khu vực bởi chung quanh đều là hoa chỉ mỗi một gian hàng này bán dưa hấu Gò Công.
Khắc họa trên dưa
Vuông vức trên một diện tích khoảng 16m2, hàng trăm trái dưa hấu chất đống cao nghệu. Đặc biệt trên những trái dưa này có hình long phụng, có những câu chúc tụng đẹp mắt. Nét vẽ điệu luyện, nét bút sắc sảo. Hình và chữ giao nhau trên một trái dưa kích thích tính hiếu ký của nhiều người.
Chúng tôi có mặt tại đây theo dõi 2 nghệ nhân miệt vườn dùng lưỡi lam múa trên trái dưa. Chỉ trong nháy mắt, trái dưa được tô điểm bằng hình cá chép hóa long với câu “chúc mừng năm mới” và “tấn tài tấn lộc”.
Trưng bày tác phẩm
Nhìn net dao lam thoăn thoắt trên trái dưa và nhìn những đường nét bay lượn đố ai biết họ chỉ là những người nông dân một nắng hai sương. Anh Hùng, chủ vựa dưa cho biết, hai nghệ nhân này phục vụ miễn phí cho bà con. Sau khi chọn quả dưa ưng ý với giá 10.000đ/kg, muốn khắc hình gì hai người này sẽ lãnh phần thực hiện. Cũng nhờ vật mà trong mùa tết năm nay tôi đã bán được nhiều tấn dưa, ngoài dự đoán của tôi, anh Hùng nói.
Đường hoa Bình Đông sẽ kéo dài đến sàng 30 tết rồi dứt hẳn cho đến tết năm sau. Thời gian chỉ còn tính bằng giờ và những người nông dân vừa là con buôn vừa là người cầm lái con thuyền ai ai cũng mong muốn sớm hết hàng. Người mua rùng rùng kéo về bến Bình Đông năm nay báo hiệu những năm tới sẽ là một tương lai đang chờ đón. . .
Thương hồ trông chờ ngày cuối năm
Nói về hoa mà quên đi một lực lượng góp phần quan trọng đưa hoa đến cho mọi người là lực lương ghe thương hồ là một điều thiếu sót. Đi bên đại lộ Đông Tây nhìn qua bến Bình Đông, hàng chục hàng trăm căn nhà di động nhấp nhô trên mặt nước.
gioi thieu
Những căn nhà này được che chắn bằng lá lừa nước kín gió và kín nắng trên những chiếc ghe thương hồ. Bên trong những căn nhà đó là hoa tươi.
Ông Tám Trung đang ngồi ở bánh lái đôi mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Ông là chủ ghe vừa là lái hoa cho biết cà gia đình tôi sống trên chiếc ghe này. Cũng có nhà cửa đàng hoàng nhưng như một cái nghiệp cứ sống trên ghe hết năm này qua tháng nọ. Ba đứa con tôi đếu chào đời trên chiếc ghe này rồi lớn lên theo con nước lớn nước ròng.
Ông cầm lái và giao việc buôn bán cho vợ. Vợ ông vốn là người tần tảo hết buôn cái này bắt đến cái khác. Buôn bán hoa tươi là mặt hàng cuối cùng trong năm. Ông nói thêm, năm nào cũng vậy cứ đến trưa 30 là phải nhổ neo. Từ kinh Đôi, chúng tôi về sông Cần Giuộc, kênh Nước Mặn rồi vào sông Vàm Cỏ nhập kênh Chợ Gạo thẳng đến sông Tiền rồi đến Chợ Lách. Khi mọi việc xong xuôi ông về đến nhà vừa đúng giao thừa. Cúng kiến ông bà xong rồi cũng trở ra ghe tiếp tục cuộc sống lênh đênh.
Những người như ông Tám Trung ở bờ kinh Đôi này nhiều vô số. Đoàn ghe thương hồ mỗi lúc một đông. Cũng có ghe rời bên nhưng tiếp đó cũng có chiếc vừa đến cập vào thế chỗ. Xuất phát từ làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách Bến Tre), những ghe thương hồ này đã mang đến cho biết bao gia đình màu sắc tin yêu, hương hoa cuộc sống điểm tô cho ngày tết thêm phần rực rỡ.
Trần Chánh Nghĩa – Đàm Đệ