Nhiều doanh nghiệp xe buýt hoạt động trên các tuyến có trợ giá đang “kêu cứu" vì với mức bù lỗ do trượt giá nhiên liệu như hiện nay, các doanh nghiệp khó cầm cự qua 2 tháng.
Anh Nguyễn Văn Dũng, một xã viên thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải TP chạy tuyến số 9 (Bến xe Chợ Lớn - Hưng Long) cho biết, nhiều ngày nay, anh phải bỏ “tiền tươi” ứng trước để mua dầu do giá dầu tăng. Với loại xe buýt 55 chỗ, anh Dũng nói mỗi ngày, anh bù lỗ không dưới 200.000 đồng.
Ông Nguyễn Tấn Tạo, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải Sài Gòn, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải và Du lịch số 15 cũng thừa nhận tình trạng này.
Riêng đối với HTX mà ông đang làm phó chủ nhiệm, ông Tạo cho biết, những ngày qua, xã viên đã không ngừng kiến nghị ban chủ nhiệm HTX tìm giải pháp để họ còn có thể bám trụ lâu dài với ngành xe buýt.
Ông Đoàn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty xe khách Sài Gòn phân tích, giá nhiên liệu tăng dẫn đến việc công ty khó thương lượng ký hợp đồng hơn đối với khách hàng (đối với xe chạy hợp đồng). Riêng đối với xe buýt, công ty cũng phải bù lỗ giá dầu.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải thành phố cho biết, hiện nay, hiệp hội có khoảng 1.000 xe buýt hoạt động trên các tuyến buýt có trợ giá từ ngân sách TP. Do giá nhiên liệu tăng, mỗi ngày phải bù lỗ 200.000 đồng/xe.
Chủ doanh nghiệp xe buýt có trợ giá "kêu" không cầm cự nổi với tình trạng bù lỗ do giá nhiên liệu tăng - Ảnh: Trần Duy |
Với mức bù lỗ như thế, ông Hải nói các doanh nghiệp xe buýt chỉ có thể cầm cự được trong khoảng 2 tháng. Nếu lâu hơn, sẽ ít có doanh nghiệp nào chịu đựng nổi.
Trước thực trạng trên, ngày 1.3, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, trung tâm đang tính toán mức hỗ trợ phù hợp để trình cấp có thẩm quyền kịp thời giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do giá nhiên liệu tăng.
Theo đó, mức hỗ trợ chi phí nhiên liệu tùy thuộc vào từng chủng loại xe buýt có trợ giá nhưng mức đề xuất chung là trên dưới 7%.
Một chuyên gia Sở GTVT cho rằng, một số HTX vận tải có quy mô nhỏ, năng lực quản lý, nguồn vốn hạn chế nên khi các yếu tố đầu vào của đơn giá chi phí vận tải hành khách công cộng (giá xăng dầu, nhiên liệu, bánh xe, lốp xe…) biến động, các HTX này “ngợp”, không theo kịp biến động thị trường.
Hơn nữa, một số xã viên HTX hoạt động theo kiểu “gia đình”, manh mún không tích lũy vốn đầu tư nên “hụt hơi”. Do vậy, theo chuyên gia này, điều cần thiết trong thời gian tới là ngành giao thông phải phối hợp với liên minh HTX thành phố thực hiện tái cấu trúc các HTX xe buýt quy mô nhỏ.
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2010, khối lượng vận chuyển của xe buýt ở mức trên 360 triệu lượt hành khách, tương đương 987.000 lượt hành khách/ngày (chiếm 68% khối lượng vận chuyển hành khách công cộng). Trong đó, xe buýt có trợ giá đạt trên 326 triệu lượt khách, tương đương 895.000 lượt hành khách/ngày (chiếm 61% khối lượng vận chuyển hành khách công cộng).
Trong năm 2010, tổng kinh phí trợ giá cho xe buýt trên 841 tỉ đồng, tăng 141 tỉ đồng so với dự toán kinh phí được giao đầu năm.
Theo giải thích của Sở GTVT, khoản tăng này là do áp dụng đơn giá mới của UBND TP và giá nhiên liệu, tiền lương cơ bản cho nhân viên, lái xe, tiếp viên xe buýt tăng.
|
Trần Duy, thanhnien.com.vn