Đã bao năm nay, mỗi khi có ai đó ở thôn 5, xã Đại An, Thanh Ba, Phú Thọ bị mất vì bệnh ung thư, người trong thôn lại giật mình thon thót. Vì biết ngay ngày mai sẽ nhận được những lời chia sẻ pha lẫn thăm dò, nghi ngại của những người xóm khác: "Lại ung thư hả?".
Cái tiếng "thôn ung thư" đeo bám dai dẳng không tài nào dứt ra được.
Rau, đậu... của thôn mang ra chợ thường xuyên ế chỏng chơ. Thế nhưng, trớ trêu thay, các xét nghiệm nước đều cho kết quả an toàn. Người dân trong thôn chỉ còn biết sống trong ấm ức, đau khổ vì bị kỳ thị, đàm tiếu.
"Rau ung thư bán cho người ung thư!"
Đến chợ Cầu Hai, xã Chân Mộng, hỏi đường tới xóm Đồng Kẻng (tên do người dân quen miệng gọi mà thành), thôn 5, xã Đại An, chúng tôi nhận được ngay nhiều chỉ dẫn nhiệt thành cùng lời dặn dò cẩn thận: "Thôn ung thư chứ gì, ở ngay bên kia đường thôi, đi qua cầu là tới. Nhưng vào đó cẩn thận nhé, người ta mời nước đừng uống. Lây bệnh đấy". Tôi ngạc nhiên khi cách đường quốc lộ 2, khu phố chợ Cầu Hai chỉ một nhịp cầu nhỏ, nhưng cảnh sắc của thôn 5 khác hẳn với cái náo nhiệt, tươi tắn phố thị bên kia cầu.
Con suối nhỏ bập bều rác thải
Đường làng vắng lặng. Một con suối nhỏ bập bều rác lặng lờ dưới chân cầu. Tiết trời mùa xuân ẩm ướt, nền trời xám xịt, những mái nhà nho nhỏ ẩn hiện bên những hàng cây lúp xúp. Cảm giác đầu tiên đối với chúng tôi là khu đất này như trũng, tụt lõm xuống so với những vùng xung quanh.
Có khách, anh Lê Đình Trinh bỏ dở việc vào rót nước pha trà. Trên bàn thờ, có 3 khung ảnh, một trong số đó là của một thanh niên còn rất trẻ. Anh Trinh buồn buồn cho biết, đó là em trai anh vừa mới mất trước Tết. Tôi hỏi về hai khung ảnh còn lại anh nói, đó là bố mẹ anh, đều mất vì ung thư gan.
Sát rào nhà anh Trinh là nhà của bà Nguyễn Thị Mận. Chúng tôi vào đúng lúc nhà bà đang có đông hàng xóm tới chơi. Tôi hỏi về chuyện làng có nhiều người mắc ung thư gan, như chạm đúng nỗi niềm, bà Mận bức xúc: "Chồng tôi cũng mất vì ung thư gan. Ung thư thì sao chứ, đó là bệnh chung của xã hội bây giờ. Nơi khác thì không sao mà thôn tôi cứ khi nào có người mất vì ung thư thì mọi người lại xầm xì: Đồng Kẻng lại ung thư đấy. Thôn tôi nhiều nhà có truyền thống làm đậu. Chúng tôi đi bán đậu, rau, mọi người nhấm nháy: Đồ của Đồng Kẻng, đừng động vào. Ai lạ thì họ mua. Nhiều hôm gánh hàng ế về mà ứa nước mắt. Bà hàng xóm tôi hôm nay mang về cả một gánh rau đấy".
Câu chuyện của bà Mận nhận được nhiều sự hưởng ứng của những người hàng xóm, hầu như ai cũng có một chuyện không vui về việc bị người thôn, xã khác kỳ thị. "Ấy thế mà có hôm tôi mang rau ế về, dù có người hỏi mua. Vì hôm đó chợ hết sạch rau, chỉ còn mỗi rau nhà tôi. Người mua rau mọi hôm chê bai, nhấm nháy người khác đừng mua rau Đồng Kẻng, hôm đó bí quá đành mua. Tôi bảo tôi không bán, tôi để dành cho người không sợ ung thư ăn. Rồi tôi gánh về", bà Mận nở nụ cười mãn nguyện như vơi được nỗi uất ức trong lòng, mọi người cũng cười theo.
Xét nghiệm nước lần nào cũng "sạch"
Anh Nguyễn Văn Chiến, con trai bà Mận kể, sau khi bố anh mất, một cô em họ anh đi làm giúp việc cho gia đình một ông giáo sư ở Hà Nội có tâm sự về nỗi khổ của gia đình anh và của dân làng. Ông giáo sư nghe rất cảm thông, bảo về lấy mẫu nước ông làm xét nghiệm giúp cho. Nhưng kết quả các chỉ số đều ở ngưỡng an toàn.
Giếng đậy nắp kín mít
Giữa không gian lặng lẽ, bàng bạc, chúng tôi bất ngờ gặp một vườn hoa. Một người đàn ông đang lúi húi chăm sóc hoa đứng lẫn vào những mảng màu rạng rỡ. Anh là Hà Đức Yên, chồng chị Hoàng Thị Hồng, trưởng thôn. Tôi đùa, hoa của anh có ế như rau không, anh cười: Hoa không sao, vì hoa không ăn được. Tôi bày tỏ thắc mắc, người dân băn khoăn về chất lượng nguồn nước thế, vậy sao không có ai đứng ra làm xét nghiệm chính thức cho dân, chị Hồng cho biết: Có một số đoàn kiểm tra tới đây lấy nguồn nước đi xét nghiệm, kết quả vẫn bình thường. Chị nghĩ ung thư giờ là căn bệnh phổ biến, chẳng có gì lạ.
Tuy nhiên, chị cũng không hiểu sao hầu hết những người trong thôn bị ung thư đều là ung thư gan, xơ gan cổ trướng và ra đi ở độ tuổi 40, 50. Lại có cả đàn bà nên không đổ cho bia rượu được. Tôi hỏi chị Hồng về số người mất vì ung thư gan trong thôn, chị Hồng nói không nhớ chính xác, nhưng cũng không ít, riêng năm ngoái có 4 người. Một số gia đình mất cả hai vợ chồng như bố mẹ của anh Trinh, gia đình Hà - Thắng, Trực - Mận...
Hỏi về nguồn nước sinh hoạt, chị Hồng cho biết, bà con đều dùng giếng khơi. Tôi quan sát giếng ở một số hộ gia đình thì thấy đều có thành giếng, có nền lát xi măng nhưng không rộng. Xung quanh vẫn là đất. Đang tiết mưa phùn, nước mưa và nước thải từ giếng tạo thành những vũng lầy lội. Vài con gà đứng bới ăn quanh vũng nước đọng ấy. Đặc biệt, miệng giếng được đậy bằng những tấm bê tông dày, nghe nói là để cho an toàn. Tôi cùng một người khiêng thử tấm bê tông nặng, ghé mắt nhìn, bên dưới rất tối, ánh sáng không lọt qua.
Bà Nguyễn Thị Mận chỉ luống rau tươi tốt thường xuyên ế của mình
Tôi tỏ sự nghi ngại về việc trời mưa, liệu những vũng nước bẩn có ngấm vào mạch giếng, anh Yên nói không rõ, nhưng mỗi khi trời mưa to, nước đọng lại thôn rất lâu mới rút. "Có năm, nước ngập cô lập cả thôn luôn", anh kể. Tôi hỏi cô lập là sao, anh giải thích, thôn anh được bao quanh bởi hai con suối. Khi mưa to, nước suối dâng lên, đường ra ngoài của thôn bị suối chặn mất, thôn biến thành một hòn đảo nhỏ. Anh cũng có cảm giác, đây là vùng đất trũng so với nơi khác.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch xã Đại An khẳng định: Bệnh ung thư là bệnh phổ biến của xã hội bây giờ, Đồng Kẻng cũng không là ngoại lệ. Không thể nói là tại nguồn nước được, vì cho tới giờ cũng chưa có xét nghiệm nào kết luận về nước Đồng Kẻng gây ung thư.
Vậy đâu là nguồn cơn gây nên các bệnh ung thư gan ở thôn Đồng Kẻng? Đó có chỉ là căn bệnh chung không? Đến bao giờ người Đồng Kẻng mới không còn phải chịu những lời xầm xì to nhỏ về xóm ung thư? Chúng tôi rời Đồng Kẻng trong chiều muộn, con suối nhỏ vẫn lặng lờ dưới chân cầu.
"Chúng tôi chỉ ước sao có cơ quan nào đó về xét nghiệm lại nguồn nước, rồi công bố công khai trên cơ quan thông tin đại chúng, để người dân chúng tôi được "rửa" nỗi oan", một người dân thôn 5, Đồng Kẻng hy vọng.
Theo Mai Loan (Bee.net.vn)