Quy định lãi suất trần 14% không có hiệu quả. Cần nghiên cứu xem có nên dỡ bỏ quy định này hay không. Một thực tế đang diễn ra là lãi suất huy động đã trên 20% nhưng thanh tra không phát hiện, xử lý được do các NH thương mại lách luật
PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng ĐH KT TPHCM, thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đã đưa ra nhận định này trong bài trả lời phỏng vấn báo Lao động về tình trạng lãi suất huy động tăng “nóng” hiện nay.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, NHNN cần can thiệp qua thị trường liên NH, dùng các công cụ tái cấp vốn, tái chiết khấu để đảm bảo thanh khoản cho các NH thương mại. Hiện thị trường liên NH đang là nơi các NH chèn ép nhau, đẩy lãi suất lên cao do thiếu sự can thiệp của NHNN. Bằng các công cụ tái cấp vốn, tái chiết khấu, NHNN có thể đưa lãi suất huy động về mức 14%, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khoảng 17-18%. Như vậy, DN có thể vay vốn sản xuất kinh doanh và huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, cần khoanh vùng và xử lý các NH nhỏ bị mất khả năng thanh toán bằng các biện pháp cho sáp nhập, mua lại...
Chỉ khi thấy rõ “căn bệnh” của thị trường thì mới có cách trị đúng. Có nhiều nguyên nhân khiến cho lãi suất huy động bị đẩy lên cao. Trước hết là lượng cung tiền trong thời gian qua thấp, không đủ bù cho trượt giá. NH gặp khó khăn về thanh khoản. Nợ cho vay bất động sản chưa thu hồi được do thị trường đóng băng.
Một số NH nhỏ bị căng thẳng thanh khoản, lách luật đẩy lãi suất lên cao, các NH hàng lớn sợ mất khách hàng cũng tăng lãi suất theo. NH nhỏ vì thế không giành được khách hàng lại tiếp tục đẩy lãi suất cao hơn và NH lớn cũng lại tăng theo, cứ thế thành cái vòng luẩn quẩn.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Nghị quyết 11 của Chính phủ sau gần 3 tháng thực hiện đã đạt được những thành công bước đầu: Kiểm soát tốt thị trường ngoại tệ và vàng, dự trữ ngoại hối tăng, tỉ giá ổn định, giao dịch ngoại tệ giữa NH và DN, người dân thông suốt. Có thể khẳng định là Nghị quyết này khả thi, phù hợp với tình hình thực tế. Nếu cả 6 nhóm giải pháp tiếp tục được thực hiện đồng bộ thì sau 1-2 năm sẽ có tác dụng rất rõ.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế trước mắt vẫn gặp nhiều khó khăn, một phần do tác động bên ngoài, một phần do cơ chế điều hành và do yếu tố nội tại của nền kinh tế. Chính phủ cần chỉ đạo để các bộ, ngành, địa phương thực hiện chặt chẽ hơn việc cắt giảm đầu tư công. Nghị quyết 11 yêu cầu dừng trang bị mới xe ôtô nhưng Bộ Tài chính lại ra văn bản cho thay đổi giá mua sắm, khiến cho người dân nghi ngờ việc thực thi.
Các quy định về “thắt lưng buộc bụng” cũng cần phải rõ nét hơn, chẳng hạn quy định cắt giảm những lễ hội nào quá tốn kém, những cuộc hội họp, những phong trào mang nặng tính hình thức... Có như vậy mới có hể đạt mục tiêu cắt giảm và giảm 97.000 tỉ đồng trong lĩnh vực đầu tư công. Trong Nghị quyết 11, Chính phủ chỉ đạo chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng nhưng trên thực tế đang có dấu hiệu chính sách tiền tệ thắt chặt, Chính phủ chỉ đạo chính sách tài khoá thắt chặt nhưng thực tế vẫn còn nới lỏng.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân nêu rõ, tình hình như hiện nay đang gây nguy hiểm cho nền kinh tế: Sản xuất kinh doanh có dấu hiệu đình đốn vì thiếu vốn.
Lãi suất quá cao khiến cho DN không dám vay để đầu tư mà chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, hoặc chuyển sang gửi tiền NH. DN không huy động được vốn trên thị trường chứng khoán vì người dân gửi NH lợi hơn mua cổ phiếu, trái phiếu... Mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, ổn định công ăn việc làm vì thế cũng bị đe doạ.
Về lâu dài, hàng hoá sản xuất trong nước khan hiếm, giá cả tăng cao, tạo điều kiện cho hàng ngoại nhập khẩu tràn lan, cán cân thương mại thâm hụt, cung cầu ngoại tệ mất cân đối, tỉ giá mất ổn định...
Lãi suất cao như hiện nay không làm hạn chế tiêu dùng mà ngược lại kích thích tiêu dùng, làm tăng lạm phát. Người gửi tiền vào NH được hưởng lợi, tiêu xài nhiều hơn.
Minh Giang
Tamnhin