Những màn chơi đùa của các em thoáng nhìn rất hấp dẫn song lại vô cùng nguy hiểm khiến người lớn chứng kiến cũng không khỏi giật mình.
“Bay nước”, “nhảy cầu” là một trong những trò chơi phổ biến của trẻ em nông thôn trong mùa hè. Hình ảnh những đứa trẻ rướn người lấy đà, lao vút trên thành cầu, những cột bê tông chưa kịp kè hay những mỏm đá nhô ra trên mặt nước… rồi đáp xuống mặt nước bằng một pha bật cao có thể dễ dàng bắt gặpmỗi khi hè về.
Đi qua cầu Diễn Vạn – Xã Diễn Vạn ( Diễn Châu – Nghệ An) mùa này, mỗi khi chiều về hình ảnh những đứa trẻ thi nhau “bay” trên chiếc cầu cao khoảng 2m xuống dòng nước sâu không còn quá xa lạ với người dân nơi đây.
 |
Trẻ em thích thú với việc nhảy cầu ở Diễn Vạn, Diễn Châu. (Ảnh Dân trí) |
 |
Trẻ em huyện đảo Lý Sơn và trò chơi “nhảy cầu biển” (Ảnh Bưu Điện Việt Nam) |
“Nhảy cầu biển” cũng là một trò chơi thú vị của trẻ em nơi huyện đảo Lý Sơn Quảng Ngãi. Các em hồn nhiên khoe nhau những cú bật nhảy, nhào lộn liều lĩnh từ trên đỉnh đá xuống dưới biển bất chấp những vỉa đá sắc nhọn tựa như hàm răng cá mập lô nhô nơi nước sâu dưới đáy biển.
Thêm vào màn biểu diễn nhiều em còn thể hiện với những màn nhào lộn trên không thiện nghệ trước khi đáp xuống mặt nước. Hả hê, rạng rỡ “rơi” và vùng vẫy trong dòng nước sâu sau mỗi cú “đáp” thành công các em không biết mình đang vẫy vùng và hồn nhiên đùa giỡn với thần nước với nguy hiểm luôn rình rập các em trong mỗi lần “bay”.
 |
Thú chơi câu cá của trẻ em Huyện Yên Thành – Nghệ An (Ảnh Dân trí) |
 |
Đua thuyền độc mộc (Ảnh Dân trí) |
Không giải trí bằng những pha hành động nhưng hình ảnh những đứa trẻ xã Viên Thành (Yên Thành – Nghệ An) với thú chơi câu cá cũng nguy hiểm không kém. Những đứa trẻ cầm những chiếc cần câu dài loằng ngoằng cố gắng chen chân ra giữa lòng hồ trên một ống nước nhỏ, vừa câu cá vừa chen nhau nghịch. Trong đó có cả những đứa trẻ chỉ khoảng 3 – 5 tuổi.
Gắn với sông nước, mùa hè về nhiều em còn chơi trò “độc mộc”. “Một mình mình trên chiếc thuyền nan” các em vẫn vô tư “thả mình” theo dòng nước mà không hề nhận thức được những nguy hiểm xung quanh.
Theo thống kê mới nhất của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam thì trong số khoảng 7.000-7.200 trẻ em chết do tai nạn thương tích mỗi năm thì tỷ lệ đuối nước chiếm 50% các trường hợp, đa phần do không biết bơi. Không ai đảm bảo rằng, những đứa trẻ dù biết bơi sành sỏi, sẽ hoàn toàn an toàn khi chơi những trò chơi ấy.
 |
Trò chơi của học sinh Trường tiểu học Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (Ảnh Giáo dục và thời đại) |
Với trẻ em, các em có thể biến bất cứ nơi nào cũng có thể biến thành những sân chơi của chính mình thậm chí cả những nơi mang biển báo “Cấm trèo nguy hiểm chết người”. Nguy hiểm hiện hữu ngay trên những cảnh báo đỏ nhưng những đứa trẻ nơi huyện miền núi rủ nhau treo mình, đu bán trên những cột điện cao thế vẫn không được nhiều bậc phụ huynh chú ý nhắc nhở.
Và gần đây, câu chuyện về cái chết của thương tâm của em Cà Văn Hăng – Trường THCS Quài Cang – Tuần Giáo – Điện Biên thêm một lần nữa gióng lên cảnh báo về tai nạn, thương tích đáng tiếc từ những trò chơi con trẻ.
Bỏ lại sau lưng những ngày học tập căng thẳng, các em học sinh đang bước vào kỳ nghỉ hè được thoải sức vui đùa vùng vẫy nhưng có một sự thật đau lòng nhiều người lớn do bận công việc mưu sinh hoặc do chủ quan mà bỏ mặc con trẻ với những trò chơi nguy hiểm, để con đùa giỡn với tử thần mà không hay chỉ đến khi việc đã rồi phải gánh chịu những hậu quả mới “tiếc”.
Để các em có được một ngày hè bổ ích; lý thú thực sự rất cần sự quan tâm chú ý của cha mẹ, gia đình và sự tạo điều kiện về sân chơi cho trẻ của toàn xã hội, cộng đồng.
Theo Vietnamnet