Đây là nơi thanh bình nhất trong các thủ đô ở châu Âu, nhưng đây cũng là thành phố có sự chia rẽ rõ rệt. Tại Oslo, phía tây là nơi của người da trắng, giàu có hơn; còn phía đông là nơi tập trung người nghèo, nhập cư, chủ yếu là Hồi giáo.
Na Uy gần đây đã xiết chặt luật nhập cư vốn rất tự do và dễ dãi, một phần do cuộc tranh luận trong xã hội về đồng hóa và đa văn hóa. Cho dù Na Uy có nguồn lợi từ dầu mỏ rất lớn và tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, người ta bắt đầu lo ngại vì số dân Hồi giáo đến nước này ngày càng tăng, đặc biệt là sau sự kiện 11/9 và sau vụ báo Đan Mạch đăng biếm họa nhà tiên tri của đạo Hồi năm 2005. Các biếm họa đó cũng xuất hiện trên báo chí Na Uy.
Số người Hồi giáo ngày càng tăng, và đạo Hồi nay trở thành đạo giáo lớn thứ nhì ở Na Uy. Ảnh hưởng của sự gia tăng về tín ngưỡng cũng như dân số Hồi giáo có thể được nhìn thấy rất rõ rệt trong một đất nước Na Uy vốn đơn nhất về chủng tộc, tự do và theo chủ nghĩa quân bình. Điều đó khiến cho đảng Tiến bộ - một đảng có tư tưởng bài nhập cư - có cơ hội trở thành đảng lớn thứ hai trong quốc hội. Điều này cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ thảm sát kinh hoàng diễn ra ở phần phía tây giàu có của Oslo vừa rồi. Thủ phạm Anders Behring Breivik nói rằng y buộc phải hành động như vậy bởi các chính trị gia - kể cả chính trị gia đảng Tiến bộ - đã thất bại trong việc ngăn chặn làn sóng Hồi giáo.
Nhìn từ nhiều góc độ, lập luận trên có thể là thổi phồng. Na Uy, dân số 4,9 triệu người, có khoảng 550 nghìn người nhập cư, tức là 11% dân số và có tới 42% số người nhập cư đã có quốc tịch Na Uy. Một nửa số người nhập cư là người châu Âu da trắng, chủ yếu xuất thân từ Thụy Điển hoặc Ba Lan đến Na Uy làm việc để kiếm đồng lương khá hơn.
Nhưng nếu chỉ tính trong giai đoạn 1995-2010, số người nhập cư vào Na Uy đã tăng ba lần. Người Hồi giáo ở đây, cũng như ở những nơi khác tại châu Âu, thường có gia đình lớn hơn gia đình người bản địa.
Một ngôi đền Hồi giáo mọc lên ở phía đông Oslo, nơi người nhập cư đông hơn người bản địa. Ảnh: NYT.
Thông qua các phương tiện kinh tế giản đơn, qua mong muốn được sống gần những người Hồi giáo khác, hoặc qua những kẽ hở trong hệ thống an sinh xã hội và chính sách, nhiều đặc khu của người Hồi đã mọc lên rồi ăn vào ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Na Uy.
Tại Furuset, một khu ở cực phía đông Oslo, nơi có điểm cuối của các tuyến xe điện ngầm, số người nhập cư nhiều hơn cả người Na Uy, và người Na Uy bản địa đang muốn rời đi. Một đền thờ mới toanh mọc lên bên cạnh một nhà cộng đồng trên sườn đồi phía trên nhà ga điện ngầm, ngọn đồi được bao phủ bởi những công viên và ghế dài. Trong công viên trên đồi có một bức tượng của Trygve Lie, cựu ngoại trưởng Na Uy từng phải lưu vong trong Thế chiến II và sau đó trở thành tổng thư ký đầu tiên của LHQ. Ông là biểu tượng của tinh thần phản kháng của người Na Uy, cũng như trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
"Khi tôi đến đây năm 1976, đây là khu mới và chỉ có người Na Uy sinh sống", Lisbeth Norloff, một giáo viên người bản địa nói. "Giờ đây họ chỉ còn rất ít và đang bỏ đi". Bà cho biết bà rất mừng vì các con bà đã lớn và chuyển đi nơi khác sinh sống, vì thế bà "không còn phải lo lắng".
Trong lớp học ở Furuset, Lisbeth chỉ còn có hai học sinh người Na Uy trong tổng số 40 học sinh, và bà nói đã phải hạ chuẩn kiến thức dạy bởi có quá nhiều học sinh không nói tiếng Na Uy ở nhà. "Tôi nghĩ cả đôi bên đều bất lợi", bà giáo nói.
"Hiện nay ở Oslo có rất nhiều trường mà trong đó học sinh không xuất thân từ các gia đình nói tiếng Na Uy", Harald Stanghelle, biên tập viên chính trị của tờ báo Astenposten, nói. "Đó là môt hiện tượng mới ở Na Uy, và nó đang gây tranh cãi".
Nói chung, cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề làm thế nào để hòa nhập những người nhập cư vào một đất nước nhỏ bé có ngôn ngữ tương đối khó, nếu những người nhập cư đó thậm chí không nói được ngôn ngữ chính thức ở các trường học công.
Chủ đề tranh luận này cũng từng diễn ra khắp châu Âu. Ở Na Uy, một đất nước nhỏ, ổn định và hầu như không có thất nghiệp, chủ đề tranh luận chính không phải là sự cạnh tranh việc làm. Ngoài ra, Na Uy - với các nguyên tắc xã hội của mình - còn có xu hướng nhận các nạn nhân chiến tranh và giúp đỡ họ như người tị nạn - cho dù họ là người Việt Nam cách đây nhiều chục năm hay Somalia và Etria ngày nay.
Những người tị nạn này thường không được đào tạo quy củ và từng phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn, nên được cho là khó hòa đồng, mà thường phải đến thế hệ thứ hai, ba mới có thể đồng hóa. Theo ông Stanghelle, người Việt Nam chẳng hạn, ban đầu họ thường có rắc rối, nhưng con và cháu họ đã học rất giỏi ở trường và sau đó hòa nhập tốt vào cuộc sống ở Na Uy.
Một thành viên đảng Tiến bộ Na Uy cho biết hiện nay ngày càng có sự đồng thuận của người nước này, ủng hộ các chính sách thắt chặt hơn về nhập cư. "Các chính sách nhập cư của chúng tôi đã cực kỳ ngây thơ, cá chính sách về hòa nhập cũng vậy, nhưng giờ đây tất cả các chính đảng đang nhận ra điều đó", ông nói.
Trước đây, bất kỳ lời chỉ trích đối với chuyện nhập cư hay tị nạn nào đều bị quy là phân biệt chủng tộc, "nhưng giờ tình hình đã khác", đảng viên Tiến bộ giấu tên nói. "Cứ mỗi bốn năm chúng tôi lại có cuộc tranh luận thực sự về nhập cư, hòa nhập và bầu cử. Chúng tôi là một đất nước đồng tâm, đây là Na Uy, và chúng tôi có chung quan điểm".
Arne Strand,cựu biên tập viên chính trị của tờ Dagsavisen, cho rằng Breivik hành động một mình, và bản tuyên ngôn của y không đại diện cho suy nghĩ của đa số người Na Uy, nhưng vụ thảm sát đó sẽ có ảnh hưởng tới chính trị. "Vụ tấn công đó sẽ khiến cuộc tranh luận về nhập cư nóng trở lại, trong khi chúng tôi sắp có bầu cử cấp địa phương".
Cuộc tranh luận đó cũng diễn ra giữa những người nhập cư như ở Furuset, họ lo rằng con cái họ sẽ khó có cuộc sống tốt hơn.
Yemane Mesghina, 39 tuổi, dân nhập cư từ Etria tới Na Uy cách đây 9 năm, lòng chan chứa hàm ơn vì đất nước Bắc Âu này đã giang tay chào đón anh nồng ấm. Mesghina làm công nhân vệ sinh, sống ở Furruset với con trai và bạn gái, vì "ở đây rẻ". Liệu anh ta có cảm thấy như ở nhà khi ở Na Uy. Mesghina cười lớn. "Khác chứ, về văn hóa và ngôn ngữ", anh ta nói. Khu phố này đông người Pakistan, họ đến đây làm công nhân từ những năm 1970-80, khi Na Uy cần lao động.
Có tới 90% dân số trong khu chung cư nơi Mesghani ở là người Pakistan, và nơi đây cũng mang tai tiếng là ổ tội phạm người Pakistan, có biệt danh Gang B.
Mesghina nói rằng cộng đồng Hồi giáo cũng có mặt tốt của họ - "ở đây không có rượu". Nhưng người đàn ông này lo cho con anh ta - làm sao nó có thể hòa nhập vào xã hội Na Uy nếu quanh nó chẳng có mấy ai là người Na Uy?
"Tôi lo rằng con trai tôi sẽ không thể học được tiếng Na Uy thực sự", Mesghina nói. "Đùa cũng không biết đùa".
Nhưng cũng như nhiều người nhập cư khác, Mesghani không lo lắm về ảnh hưởng của vụ thảm sát mà Breivik thực hiện. "Điều quan trọng nhất là đa số nghĩ gì", anh ta nói. "Mà đa số mọi người ở đây tốt với chúng tôi".
Mai Trang (theo NYT)