Đến sáng 1-8, bệnh nhân duy nhất điều trị ngộ độc Chloramin B tại bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn chưa xuất viện. Ngoài ra, hai trường hợp nặng khác được chuyển đến bệnh viện tỉnh Bình Dương sức khỏe đã ổn định...
Liên quan đến vụ cô giáo cho học sinh ăn nhầm thuốc tẩy rửa như tin đã đưa, ngày 1-8, rất nhiều trường hợp đã được xuất viện về nhà. Bà Đặng Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng giáo dục đào tạo thị xã Thuận An (Bình Dương) cho biết khi được hỏi về tình trạng hiện nay của 27 cháu học sinh mầm non bị ngộ độc tại nhà trẻ Hòa Bình vào chiều 29-7.
Gần 200 nhà trẻ không phép
Bà Oanh còn cho biết, đến nay nhà trẻ Hòa Bình (25L/8A khu 434 ấp Bình Đáng, xã Bình Hòa, TX Thuận An, Bình Dương) vẫn hoạt động không phép.
Đây là một nhà trẻ tự phát bắt đầu hoạt động vào tháng 5-2009. Phòng Giáo dục đã nhiều lần kiểm tra và có quyết định đình chỉ. Bà Nguyễn Thị Vui, chủ nhà trẻ chấp nhận ngưng hoạt động nhưng sau đó lại tiếp tục.
Tháng 12-2010, phòng Giáo dục lại kiểm tra và đề xuất UBND xã Bình Hòa ra quyết định đình chỉ một lần nữa. Sau đó, bà Vui đầu tư thêm cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ giáo viên và hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép nhưng chưa kịp nộp thì xảy ra sự cố.
Không phép nhưng vẫn trưng biển hiệu - Mầm non Hòa Bình nơi xảy ra ngộ độc
Ngày 30-7, UBND xã Bình Hòa, lần thứ 3 ra quyết định đình chỉ hoạt động tại cơ sở giữ trẻ Hòa Bình.
Nhìn bên ngoài nhà trẻ này không ai có thể nghĩ rằng, đây là một cơ sở hoạt động không phép. Cũng biển hiệu nhưng nếu tinh ý sẽ thấy trên biển chỉ có 2 chữ mầm non, lập lờ không xác định trường hay nhóm trẻ.
Theo số liệu của Phòng Giáo dục Thuận An cung cấp, trên toàn thị xã có 198 cơ sở hoạt động giữ trẻ không phép trong đó có 235 nhóm, lớp với 2815 trẻ.
Thuận An là một thị xã có nhiều khu công nghiệp thu hút lượng công nhân nhập cư khá lớn. Nhu cầu giữ trẻ con của các công nhân vô cùng cần thiệt. Ngành giáo dục Thuận An hiện không đáp ứng đủ nhu cầu này và theo lời bà Oanh, cần khuyến khích tư nhân mở các trường mầm non hoặc nhóm trẻ.
Vì vậy đã có nhiều trường mầm non tư thục hoạt động khá hiệu quả, chia sẻ bớt gánh nặng với ngành giáo dục.
Bà Đặng Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GDĐT thị xã Thuận An
Sau vụ ngộ độc Chloramin B vào chiều 29-7, bà Oanh khẳng định phòng sẽ cùng các cơ quan chức năng sẽ tăng cường các biện pháp quản lý các nhà trẻ, nhóm trẻ chưa có giấy phép hoạt động.
Hiện nay thị xã đang có qui hoạch các dự án xây dựng nhà trẻ công lập loại 1 với qui mô từ 700 dến 10.000 m2 tại Thuận Giao, Bình Chuẩn, Bình Hòa.
“Hy vọng khi những nhà trẻ công lập này hoạt động sẽ cải thiện được tình hình” - bà Oanh nói.
Trách nhiệm của Trạm y tế xã Bình Hòa đến đâu?
Sau sự cố xảy ra ngộ độc, cơ quan chức năng đã kịp thời thu giữ tại nhà trẻ Hòa bình một lượng sữa đã pha chloramin B chưa kịp cho nhóm học sinh tốp sau uống.
Được biết, trước đó, trạm y tế xã Bình Hòa thông báo cho bà Vui đến nhận thuốc về sử dụng cho trường. Bà cho con trai đến nhận. Khi thuốc đem về, bà Vui chưa biết là thuốc gì đã gọi điện ra trạm y tế để hỏi. Người trả lời là một nhân viên tên Hương phụ trách mảng chống suy dinh dưỡng nên khi nghe hỏi ngỡ là bà Vui hỏi về cách pha chế bột ngũ cốc nên trả lời: “Có 2 cách, trộn vào cháo hoặc pha với nước ấm cho trẻ uống”.
Bà Vui pha trộn thuốc vào sữa rồi nếm thử thấy đắng nên đã thêm đường vào cho các cháu dễ uống. Sau khi uống được một phần cốc sữa, các cháu có biểu hiện khác thường nên bà đã cấp báo cho trạm y tế. Lúc bấy giờ bà Vui mới biết đó là thuốc sát khuẩn dùng để tẩy rửa nền nhà và đồ chơi phòng bệnh tay chân miệng cho các cháu.
Bà Vui cũng đã khẳng định hai gói bột trắng giống bột ngọt không nhãn mác hoặc ghi tên chủng loại kèm theo cách sử dụng nên đã phải gọi điện hỏi lại cho chắc. Nào ngờ...
Gói hóa chất Cloramin B tại Trạm Y tế xã Bình Hòa đã cấp cho các trường mẫu giáo trên địa bàn sử dụng. Tuy nhiên, hai gói thuốc cấp cho trường Hòa Bình không có tên thuốc và hướng dẫn sử dụng như trong ảnh.(Theo Pháp luật TPHCM)
Thông tin từ trạm y tế xã Bình Hòa đã bác bỏ lời phát biểu của bà Vui về trường hợp nhận và sử dụng thuốc. Theo đó, trạm y tế không thể cẩu thả trong cách giao nhận thuốc. Khi giao thuốc đều chỉ dẫn cách sử dụng cụ thể.
Như vậy nguyên nhân đưa đến ngộ độc hàng loạt là do nhầm lẫn. Tuy nhiên, mức độ nhầm lẫn này do phía y tế hay cơ sở giữ trẻ là điều cần các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
Nhà giữ trẻ Hòa Bình đang nuôi giữ 48 cháu. Bà Vui là một trong 4 cô giáo trực tiếp trông các cháu. Bà cũng thừa nhận chưa hề qua một lớp đào tạo sư phạm mầm non nào và hiện đang theo học một lớp học về quản lý để bổ túc hồ sơ xin phép thành lập trường.
Sau sự cố, các cơ quan chức năng đã yêu cầu bà Vui khắc phục hậu quả. Bà Vui đã hỗ trợ 15 triệu đồng cho 3 ca nặng ở bệnh viện tỉnh và Bệnh viện Nhi Đồng 1.
UBND thị xã và phòng giáo dục đào tạo mỗi nơi hỗ trợ 1 triệu đồng cho một ca ngộ độc.
Theo Trần Chánh Nghĩa (Vietnamnet)