Công bố của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nền kinh tế đến 20/7 giảm 0,19% so với tháng 6. Điều đáng lo là tín dụng VND giảm 0,88%, trong khi tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng với mức 1,96%.
Lãi suất vay USD quá “hời” khiến các doanh nghiệp đổ xô vay USD, cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt đang làm chính sách đẩy lùi “USD hóa” diễn biến xấu. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang thừa VND nhưng không thể cho vay. Cách nào để tăng lợi thế tiền đồng mà vẫn giảm được lạm phát là bài toán cần giải lúc này.
Để tăng lợi thế của tiền đồng, không chỉ giảm lãi suất cho vay mà phải giảm ngay lợi thế đồng USD. Ảnh: N.Hữu.
Sớm căng thẳng tỷ giá?
Những tưởng việc giảm lãi suất huy động USD xuống dưới 2%, tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ lên 7% và việc “dọn dẹp” thị trường USD tự do sẽ khiến việc chống USD hóa “xuôi chèo mát mái”. Nhưng chênh lệch lãi suất cho vay USD và tiền đồng (VND) từ tháng 5 lại đã khiến con thuyền chống USD hóa chạy lệch hướng, khi nhiều DN đổ xô vay USD do lợi thế lãi suất của USD so với VND. Một phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại lớn tại TP HCM cho biết, vốn huy động ngoại tệ tại ngân hàng này đến đầu tháng 8 đã giảm khoảng 15%, trong khi nhu cầu vay ngoại tệ ngày càng tăng. Vị này lo rằng, sự mất cân đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ sẽ khiến ngân hàng dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Con số thống kê từ NHNN cũng cho biết, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến 20/7 ước giảm giảm 0,25% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 0,51% còn tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 3,29%.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho biết tín dụng 6 tháng đầu năm 2011 đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Các khoản vay này thông thường từ 3 đến 6 tháng, nên vào tháng 9, 10 trở đi, khi đến hạn trả nợ của các DN, khả năng căng thẳng tỷ giá rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, ông Nghĩa hy vọng vào dự trữ ngoại hối của NHNN đã tăng lên có thể làm tình hình khác hơn.
Nâng tiền đồng bằng 4 giải pháp
Diễn biến trên thị trường ngoại hối (USD) đang khiến tình hình USD hóa ngày càng nặng, còn VND đang tỏ ra kém hấp dẫn trong rổ tính toán lợi nhuận của các doanh nghiệp. Từ nửa cuối tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng như ACB, Eximbank, Sacombank… đã bắt đầu đưa chính sách “ưu đãi” lãi suất, để hạ lãi suất cho vay VND nhằm “hút” doanh nghiệp vay. Tuy nhiên, với chênh lệch lãi suất vay đến 15% một năm đã khiến hầu hết doanh nghiệp vay USD. “Nếu vay 3 tỷ đồng bằng USD trong 6 tháng, chúng tôi chỉ phải trả khoảng 21 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng, trong khi vay bằng VND với lãi suất 20, 21% một năm phải trả đến 54 triệu đồng. Như vậy, doanh nghiệp nào cũng phải chọn USD là dĩ nhiên”, giám đốc một công ty thương mại dịch vụ có hoạt động xuất nhập khẩu tại Bình Thạnh tính toán.
Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM cũng đồng tình, với lãi suất chênh lệch USD, VND khoảng 15% như hiện nay, dù có biến động tỷ giá vào cuối năm thì doanh nghiệp vẫn “hời” nên doanh nghiệp vẫn mặc sức vay.
Theo tuyên bố của Thống đốc NHNN hôm qua, lãi suất VND tháng 9 sẽ về mức 17% - 19% một năm. Điều này liệu có thúc đẩy doanh nghiệp chọn VND trong thời điểm lãi suất vay USD chỉ ở mức 7% một năm và chênh lệch lãi suất lúc này vẫn từ 10 - 12% một năm? Rõ ràng, lợi thế vẫn đang thuộc về USD.
Theo chuyên gia Lê Thẩm Dương, để giảm căng thẳng tỷ giá cuối năm và tăng lợi thế cho tiền đồng, phải có những biện pháp mạnh. Theo đó, 4 biện pháp đồng bộ nên sớm thực hiện là: Nâng dự trữ bắt buộc USD lên 10%, thậm chí 15% hay 20% nếu cần; giữ nguyên lãi suất huy động USD 2% hoặc giảm xuống đến 1%; ép lãi suất USD liên ngân hàng và chẹn hiện tượng ngân hàng vượt trần lãi suất, việc này phải quyết liệt từ nay đến cuối năm; cuối cùng là quản thật chặt đối tượng được vay USD. “Tăng lợi thế cho tiền đồng không phải chỉ là việc giảm lãi suất cho vay VND, giảm lạm phát mà phải giảm cả lợi thế của những đồng tiền khác, ở nước ta là USD. Nếu làm chặt chẽ, tôi tin tiền đồng sẽ có lợi thế hơn”, ông Dương nói.
Mỹ Dung (Đất Việt)