Trung Quốc vừa hoàn thành việc biên chế lữ đoàn tên lửa chiến lược DF-31A mới, có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam.
Khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc vừa được nâng lên tầm cao mới với sự ra đời của lữ đoàn ICBM DF-31A thứ 2.
Theo báo cáo của Washington Post, Trung Quốc có thêm một lữ đoàn tên lửa chiến lược liên lục địa cơ động mới.
Báo cáo cho biết, trang bị chính của lữ đoàn này là các tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM DF-31A, với số lượng khoảng 30 quả.
Trong khi đó báo cáo của tình báo Mỹ công bố năm 2009 cho biết, Trung Quốc có khoảng 15 tên lửa DF-31A, như vậy số lượng tên lửa DF-31A trong biên chế của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với báo cáo cách đây 2 năm.
Mark Stokes, tác giả của báo cáo cho biết, lữ đoàn ICBM mới này có trụ sở tại Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Biến thể nâng cấp DF-31A có tầm bắn lên đến 11.200km, có thể đánh bất cứ địa điểm nào của nước Mỹ.
Các tên lửa ICBM DF-31 đầu tiên được chế tạo tại Thủy Tiên, tỉnh Cam Túc. Các tên lửa này đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2001.
Trong năm 2006, quân đoàn pháo binh số 2 (cách gọi của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc) bắt đầu công tác chuẩn bị cho việc hình thành lữ đoàn ICBM đầu tiên.
Lữ đoàn ICBM đầu tiên được trang bị các tên lửa DF-31 có tầm bắn 7.200km, tên lửa này có khả năng bao phủ toàn bộ châu Á, thậm chí vươn tới bán đảo Alaska của Mỹ, Nga và cả Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam.
Tốc độ phát triển của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc có thể vượt xa những dự đoán hiện tại.
Hiện tại, ICBM DF-31A chỉ mang theo một đầu đạn hạt nhân nên có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, các báo cáo cũng chi ra, Trung Quốc đã bắt tay nghiên cứu công nghệ dẫn hướng nhiều đầu đạn độc lập MIRV.
Theo thông tin chưa được xác nhận, trong tương lai, DF-31A có khả năng mang 3 đầu đạn hạt nhận có đương lượng nổ từ 20-150 kiloton, có thể tấn công 3 mục tiêu khác nhau.
So với khả năng mang đầu đạn hạt của các ICBM của Mỹ, Nga từ 8-10 đầu đạn mỗi tên lửa, khả năng của DF-31A vẫn còn thua xa. Tuy nhiên, "sự khởi đầu này có thể làm thay đổi cuộc chơi trong tương lai", báo cáo của Mark Stokes có đoạn.
Từ đầu năm 2011, Trung Quốc cũng đã công bố việc phát triển một biến thể ICBM có khả đánh chìm tàu sân bay của Mỹ ở cự ly đến 3.000km là DF-21D.
Sự phát triển của tên lửa DF-21D vẫn chưa rõ ràng. Một số báo cáo cho rằng tên lửa đã đạt được khả năng hoạt động ban đầu, một số lại cho rằng tên lửa vẫn trong quá trình phát triển.
Việc biên chế thêm một lữ đoàn ICBM mới cho thấy, năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ phát triển của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc có thể vượt ra ngoài những dự báo của quân đội Mỹ.
Quốc Việt
(DV/tổng hợp)