F/A-18 là tiêm kích trên hạm chủ lực của Hải quân Mỹ, việc nhận biết các biến thể của nó cũng dễ dàng hơn nhờ có các thay đổi lớn về thiết kế khí động học.
(ĐVO) F/A-18 Hornet(Ong bắp cày) là tiêm kích 2 động cơ, được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay, đây là tiêm kích trên hạm chủ lực của Hải quân Mỹ.
F/A-18 đã tham gia vào rất nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ và đã chứng minh được năng lực của một trong những tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới.
F/A-18 là sản phẩm của Tập đoàn McDonnell Douglas, được phát triển từ mẫu thử nghiệm YF-17 của Northrop Grumman. Vào năm 1997, tập đoàn này đã sát nhập vào Boeing, nên kể từ đó trở đi, F/A-18 được coi là sản phẩm của Boeing.
Hornet bắt đầu đi vào phục vụ trong Hải quân Mỹ từ năm 1983 nhằm bổ sung và thay thế dần cho phi đội F-14 Tomcat.
Hornet xuất trận lần đầu tiên vào tháng 4/1986, trong nhiệm vụ yểm trợ cho cuộc không kích Libya trong chiến dịch Benghazi. F/A-18 được sản xuất với các biến thể A/B, C/D và gần đây nhất là biến thể nâng cấp sâu rộng E/F Super Hornet.
F/A-18A/B
Đây là biến thể sản xuất loạt đầu tiên của F/A-18, trong đó F/A-18A là biến thể 1 chỗ ngồi, F/A-18B là biến thể 2 chỗ ngồi phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo.
Máy bay có điểm dễ nhận biết với 2 rìa cánh bắt đầu từ cánh chính kéo dài cho đến tận buồng lái. Dưới đó, là cửa hút không khí hình ovan nằm 2 bên hông phía dưới cánh chính.
Biến thể một chổ ngồi F/A-18A đặc trưng với cửa hút không khí hình ovan.
Biến thể sản xuất đầu tiên này được trang bị radar AN/APG-65, một loại radar xung Doppler, băng tần I cung cấp khả năng giám sát không đối không và đối đất cùng lúc. Radar được thiết kế với công nghệ lock down/shoot down, bộ xử lý có khả năng theo dõi trong khi đang quét. Radar có tầm hoạt động tối đa ở chế độ không đối không là 110km.
F/A-18A/B được trang bị hệ thống fly-by-wire kỹ thuật số, hệ thống điện tử hàng không hiện đại. Buồng lái được trang bị các màn hình hiển thị LCD đa chức năng, màn hình hiển thị HUD hiện đại. Máy bay được trang bị hai động cơ GE F404 cung cấp lực đẩy đốt lần 2 là 79kN/động co.
Hornet là một trong số ít những máy bay có tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng lớn hơn 1, cùng với thiết kế khí động học mượt mà giúp cho máy bay có khả năng thao diễn tốt và hoạt động rất hiệu quả trên tàu sân bay.
F/A-18C/D
F/A-18C/D là biến thể hiện đại hóa đầu tiên của F/A-18, trong đó, F/A-18C là biến thể 1 chỗ ngồi, F/A-18D là biến thể 2 chỗ ngồi. Máy bay đi vào phục vụ từ tháng 9/1987.
So với nguyên mẫu, hình dáng bên ngoài của máy bay không có nhiều khác biệt, các thay đổi chủ yếu ở hệ thống điện tử và vũ khí.
Biến thể một chổ ngồi F/A-18C đang cất cánh từ tàu sân bay.
Máy bay được trang bị radar AN/APG-73, được xem là radar dành cho tiêm kích hiện đại nhất lúc đó.
Radar mới cung cấp khả năng giám sát không đối không ở cự ly tới 160km, có khả năng lập bản đồ mặt đất độc lập cho phép tấn công mục tiêu mặt đất chính xác trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Radar mới cho phép tích hợp tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tên lửa không đối đất chiến thuật AGM-65 Maverick.
Máy bay được bổ sung thiết bị tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn ngoài NAVFLIR AN/AAR-50 cùng với các thiết bị nhìn đêm cho phép tấn công chính xác vào ban đêm.
Bất lợi của thiết kế F/A-18C/D là khối lượng lớn, buộc máy bay nhận được ít nhiên liệu hơn, do đó, tầm hoạt động chiến đấu cũng giảm đi đáng kể. Hệ thống điện tử mới tuy hiệu quả hơn nhưng thiếu các thiết bị làm mát cần thiết.
Các biến thể F/A-18A/B/C/D đã được xuất khẩu cho 8 quốc gia ngoài Hải quân Mỹ gồm có Australia, Canada, Phần Lan, Kuwait, Malaysia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Thái Lan.
F/A-18E/F Super Hornet
Đây là biến thể hiện đại hóa sâu rộng của gia đình F/A-18, trong đó F/A-18E là biến thể 1 chỗ ngồi và F/A-18F là biến thể 2 chỗ ngồi, chính thức đi vào phục vụ từ tháng 12/1998.
Thiết kế của Super Hornet chỉ giống nguyên mẫu 42% với khá nhiều thay đổi về kiểu dáng khí động học, động cơ và hệ thống điện tử.
Biến thể một chổ ngồi F/A-18E phần cửa hút không khí của động cơ đã được sửa đổi so với biến thể trước đó.
Điểm khác biệt lớn nhất của Super Hornet so với các biến thể trước đó là cửa hút không hình hình chữ nhật thay cho hình ovan nhằm đáp ứng lượng không khí lớn hơn cho động cơ mới.
Diện tích cánh của Super Hornet lớn hơn 25% so với các biến thể trước đó, thân máy bay được kéo dài thêm 860mm cho nhiên liệu và các thiết bị điện tử mới. Super Hornet có tải trọng vũ khí và tầm hoạt động lớn hơn, động cơ mới mạnh hơn, các hệ thống điện tử mới cung cấp khả năng sống sót cao hơn.
Nhiệm vụ chính của Super Hornet là các phi vụ SEAD/DEAD, yểm trợ cho phi đội F-15 ném bom các mục tiêu mặt đất.
Super Hornet được trang bị các công nghệ điện tử hàng không cực kỳ hiện đại, trong đó nổi bật là radar mạng pha quét điện tử, radar AESA AN/APG-79.
Radar được trang bị bộ vi xử lý “back-end” cung cấp khả năng không đối không, đối đất, đối hải cùng lúc. Công nghệ AESA giúp Super Hornet đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa khác nhau trong bất kể ngày đêm.
Buồng lái của Super Hornet được trang bị một màn hình cảm ứng đa chức năng hiển thị các thông tin chiến thuật, 2 màn hình LCD đơn sắc hiển thị các thông số về nhiên liệu và động cơ, bản đồ kỹ thuật số, thiết bị nhìn đêm tích hợp.
Biến thể hai chổ ngồi F/A-18F của Không quân Hoàng gia Australia.
Máy bay được bổ sung thêm hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn ngoài AN/ASQ-228, phạm vi hoạt động 48 km từ độ cao 15,2km, hệ thống chiến tranh điện tử và phòng vệ mềm toàn diện IDECM AN/ALQ-124. Hệ thống IDECM có khả năng tự động nhận biết các mối đe dọa và đưa ra biện pháp đối phó thích hợp.
Super Hornet có 11 điểm treo vũ khí có khả năng sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất trong kho của Hải quân Mỹ. Super Hornet được trang bị 2 động cơ GE-F414 với phần mềm điều khiển số. Động cơ mới có công suất tăng thêm 35% so với động cơ GE-F404, tầm hoạt động của máy bay tăng thêm 40% so với biến thể C/D.
Khả năng mang tải trọng nhiên liệu lớn hơn cũng cho phép Super Hornet có thể hoạt động như một máy bay tiếp nhiên liệu trên không mini.
Hiện tại, Super Hornet mới chỉ xuất khẩu cho Không quân Hoàng gia Australia, một số khách hàng khác như Anh và UAE cũng đang xem xét lựa chọn Super Hornet cho các chương trình mua sắm của họ.
E/A-18G Growler
Biến thể tác chiến điện tử chuyên dụng của Hải quân Mỹ được phát triển trên cơ sở của F/A-18 F Super Hornet.
Hình dáng bên ngoài của E/A-18G không có nhiều khác biệt so với F/A-18 F Super Hornet.
Biến thể E/A-18G Growler với các thiết bị tác chiến điện tử chuyên dụng.
Growler giống Super Hornet tới 90% ở thiết kế khung thân, radar AN/APG-79 và các hệ thống vũ khí. Để nhận biết Growler chủ yếu dựa vào các thiết bị tác chiến điện tử mà nó mang theo.
Trang bị tiêu chuẩn cho E/A-18G Growler gồm có 5 hệ thống gây nhiễu điện tử AN/ALQ-99 cùng với hai tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, hoặc 2 tên lửa chống radar AGM-88 HARM. E/A-18G Growler cùng với E/A-6B Prowler là những máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng duy nhất trên thế giới.
Quốc Việt (tổng hợp)