Thanh kiểm tra tại 13 tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam phát hiện hàng loạt sai phạm tại hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). BHXH Việt Nam đã đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố thu hồi hoặc không chấp nhận thanh toán từ Quỹ BHYT hơn 58 tỷ đồng.
Bệnh nhân điêu đứng
Thực trạng lạm dụng bảo hiểm y tế (BHYT) ở các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) từ trung ương đến địa phương đang diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát và đang ở mức báo động khi Quỹ BHYT bị xà xẻo, trục lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Bà Bùi Thị Côi, sinh năm 1930, ở phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, Phú Thọ vì mắc phải các triệu chứng đau ngực, cao huyết áp, thoái hóa khớp, u phổi... nên phải vào Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Phú Thọ để KCB.
Liên tục từ tháng 6/2010 đến tháng 5/2011, bà Côi đã 8 lần đi KCB (trong đó có một đợt điều trị nội trú và 7 đợt điều trị ngoại trú) tại BV này. Bà Côi được các bác sỹ chỉ định 15 lần siêu âm 4D, 6 lần điện tim đều có kết quả giống nhau, 5 lần xét nghiệm sinh hóa, 2 lần chụp CT.
Theo một cán bộ của BHXH tỉnh Phú Thọ, bà Côi chỉ là một trường hợp điển hình và là nạn nhân của BV khi bị siêu âm liên tục, quá nhiều lần nhưng không cần thiết.
Việc BV ép bệnh nhân sử dụng các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) đắt tiền đã làm cho bệnh nhân tốn kém tiền bạc một cách vô lý.
Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Bùi Thị Côi cho thấy, BVĐK Phú Thọ đã ép bệnh nhân sử dụng quá nhiều DVKT đắt tiền
Theo vị cán bộ này, thực tế, một lần siêu âm chỉ cần điện và chất keo nên giá trị không đáng kể. “Một lần siêu âm, BV thu 80.000 đồng. Nhưng nếu để máy siêu âm hoạt động hết công suất như ở BVĐK Phú Thọ, số tiền thu từ bệnh nhân hằng ngày là rất lớn”, vị cán bộ cho biết.
Sau khi thu hồi vốn, trừ các chi phí (điện, chất keo), số tiền lãi các BV đều bỏ túi. “Điều lo ngại là vì Quỹ BHXH thanh toán trên cơ sở chỉ định của bác sỹ và hồ sơ bệnh án đã cung cấp cho người bệnh nên cả bệnh nhân và Quỹ BHYT bị BV làm tiền do cố tình bắt ép bệnh nhân sử dụng các DVKT đắt tiền nhưng không cần thiết” - vị cán bộ này nói.
Theo tìm hiểu của PV, tại BVĐK Phú Thọ còn có trường hợp bệnh nhân 10 lần đến khám thì cả 10 lần đều bị BV bắt làm xét nghiệm HIV.
Trong khi đó, theo quy định, không phải bệnh nhân nào đến viện cũng phải làm xét nghiệm HIV nếu bệnh nhân đó không tự nguyện. Riêng tại BVĐK Phú Thọ, một năm có 20.000 lượt người bệnh đến khám đều phải làm xét nghiệm HIV.
“Với một lần xét nghiệm HIV bình thường là 50 nghìn đồng hay 100-150 nghìn đồng nếu làm theo các phương pháp xét nghiệm hiện đại, từ con số của BVĐK Phú Thọ đem nhân với con số của cả nước, số tiền lãng phí thu của bệnh nhân từ việc xét nghiệm HIV sẽ lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm” - một lãnh đạo BHXH Phú Thọ cho biết.
Hàng loạt bệnh viện vi phạm
Dù phải chi rất nhiều tiền để được KCB nhưng nhiều bệnh nhân vẫn phải nằm ngoài hành lang để điều trị. Ảnh: Phong Cầm
BHXH Việt Nam cho biết, chỉ mới thanh kiểm tra tại 13 tỉnh, thành phố (Bình Định, Lào Cai, Kiên Giang, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bến Tre, Vĩnh Long, Ninh Bình, Long An, Đồng Tháp), đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại hầu hết các cơ sở KCB và đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố này thu hồi hoặc không chấp nhận thanh toán từ Quỹ BHYT hơn 58 tỷ đồng.
Theo kết quả thanh kiểm tra, tại hầu hết các cơ sở KCB, đều phát hiện tình trạng chỉ định sử dụng các DVKT rộng rãi quá mức cần thiết. Đặc biệt là các DVKT thực hiện bằng máy móc thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hoá.
Trong đó, trầm trọng nhất là việc lạm dụng chẩn đoán hình ảnh để trục lợi và xà xẻo Quỹ khám chữa bệnh BHYT. Tại BVĐK Bình Định, kết quả kiểm tra cho thấy, BV này chủ yếu tập trung vào các DVKT đắt tiền (MRI, CT scaner, siêu âm 3D-4D...) khi KCB cho bệnh nhân.
Trong đó, chi phí chụp MRI, chẩn đoán hình ảnh trong khám và điều trị chiếm tới 49% trong cơ cấu chi phí ngoại trú và 28,9% trong điều trị nội trú; trong khi đó, trên toàn quốc, tỷ lệ này chỉ trong khoảng từ 10-12%.
Việc chỉ định cho bệnh nhân chụp MRI không những được thực hiện ở khu vực điều trị ngoại khoa, nội khoa mà còn được chỉ định khá phổ biến ở những chuyên khoa khác như: khoa phục hồi chức năng (có 20,9% bệnh nhân được chỉ định chụp MRI); khoa khám bệnh đông y chỉ định chụp tới 10,4% số ca trong quy trình khám và chẩn bệnh.
Quá trình kiểm tra, phát hiện BVĐK Bình Định còn chỉ định chụp MRI trong điều trị đối với những bệnh lý thông thường như u nang buồng trứng (mặc dù đã có siêu âm kết quả như MRI), bướu giáp nhân, sán lá gan (mặc dù đã có siêu âm, huyết thanh chẩn đoán sán lá gan), u xơ tử cung, hạch dưới hàm sau khi chọc hạch... vẫn chỉ định chụp MRI.
Tại BVĐK Thái Bình, qua giám định xác suất 150 bệnh án nội trú, 43 bệnh án có chỉ định chụp CT Scaner và MRI. Trong đó, có 40/43 bệnh án chẩn đoán rối loạn tuần hoàn não, chỉ định chụp CT Scaner cho kết quả bình thường; 3/43 bệnh án chẩn đoán khác (đau khớp háng, thần kinh tọa, theo dõi dị dạng mạch máu, liệt tay trái) có kết quả chụp CT Scaner và MRI bình thường.
Tại BVĐK Phú Thọ, khi kiểm tra, đã phát hiện BV cố tình chẩn đoán thật nhiều bệnh trên một bệnh nhân để có lý do cho việc làm các DVKT.
Vì thế, tất cả các bệnh nhân khi vào viện đều phải làm các DVKT giá thành cao, gây lãng phí tiền của bệnh nhân. Đặc biệt là tình trạng lạm dụng siêu âm doppler tim.
Kết quả kiểm tra cho thấy, thời gian siêu âm thường chỉ từ 1-3 giây, không đủ để thực hiện dịch vụ. Bất kể người lớn hay trẻ em, kết quả doppler đều rất giống nhau nên không có giá trị về thăm khám và chữa trị.
Thực tế, theo các bác sỹ chuyên khoa về tim mạch, doppler mạch chỉ có hai kết quả là co thắt hoặc bình thường.
Trong khi đó, kết quả kiểm tra tại BVĐK Phú Thọ, hầu hết các chỉ số trên phiếu kết quả giống nhau, mô tả chung chung và không mô tả được vị trí đoạn mạch bị tổn thương, mạch nào được khảo sát...
Ngoài ra, để tận thu, BVĐK Phú Thọ còn cho máy siêu âm hoạt động vượt quá công suất. Số ngày có tổng số lần siêu âm trên 160/máy rất phổ biến. Thậm chí, có nhiều ngày siêu âm hơn 250 lần/máy.
Trong khi đó, cán bộ y tế của BVĐK Phú Thọ phần lớn chưa có bằng cấp chuyên khoa về chẩn đoán hình ảnh nhưng vẫn thực hiện dịch vụ và đọc kết quả một cách bình thường.
“Một số hình ảnh siêu âm 3D-4D không đúng ngày hoặc không đúng thời điểm in kết quả trên phiếu kết quả. Cá biệt, có trường hợp kết quả có trước, hình ảnh có sau. Các ảnh 3D-4D đều không ghi tên người bệnh. Thậm chí, có hiện tượng hình ảnh 3D-4D của người này gắn lên phiếu của người khác hoặc một hình ảnh được gắn phiếu kết quả của nhiều người khác nhau…” - một cán bộ của BHXH Việt Nam tham gia đoàn kiểm tra tại BVĐK Phú Thọ nói.
Kể cả điện tâm đồ cũng được đọc sơ sài, qua quýt, thông thường chỉ có hai chỉ số là chủ nhịp gì (nhịp xoang) và trục tim. Do vậy, các kết quả đều không có giá trị chẩn đoán, theo dõi hoặc đánh giá tình trạng bệnh tật của người bệnh.
BHXH Việt Nam cho biết, sau khi kiểm tra, đa số các tỉnh đã có chuyển biến tích cực.
Riêng Phú Thọ và Bến Tre, tình hình lạm dụng Quỹ khám chữa bệnh BHYT vẫn có chiều hướng gia tăng, Quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2011 mất cân đối tăng hơn so với trước khi kiểm tra.