GiadinhNet - Cộng đồng khoảng 20 vạn người Việt ở đây được đánh giá cao vì đức tính cần cù, chăm chỉ, học giỏi và đa số phụ nữ Việt đều có cửa hàng kinh doanh.
Không được nhận làm người rửa bát, lại thành bà chủ lớn
Tác giả (trái) và phiên dịch viên tên Phượng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Khái, chị Đoàn Thị Mây quây quần bên chiếc bàn ăn với rất nhiều món thuần Việt mà chị vừa tự tay nấu để chiêu đãi đoàn công tác của chúng tôi. Anh chị không giấu nổi niềm vui khi hôm nay trong nhà có rất nhiều khách từ trong nước sang, cả nhà thoải mái nói tiếng Việt, kể chuyện quê hương xứ sở.
Chị Mây kể: "Em rời quê hương Thái Bình khi vừa 17 tuổi. Lúc ra đi, trong đầu em chẳng có ý nghĩ gì cả ngoài việc ra đi để thoát nghèo. Lênh đênh trên một chiếc tàu cùng với nhiều người khác rồi em cũng đến được Hongkong và sống trong trại tỵ nạn đúng 5 năm. Cuộc sống vô cùng khó khăn, hai vợ chồng không công ăn việc làm, lại còn phải nuôi một đứa con nhỏ mới 3 tuổi bị khiếm thính. Lúc đó, việc gì em cũng làm, từ quét rác, lau dọn nhà vệ sinh... miễn sao hai vợ chồng có tiền nuôi con.
Cứ nghĩ lại thời đó, em lại thấy xót xa. Có lúc không có tiền mua đồ ăn cho con, em đã đến của hiệu xin làm chân rửa bát thuê cũng bị khước từ. Nỗi nhục đó thôi thúc tụi em phải vượt lên để sống. Khi có tin vợ chồng em không được Canada chấp nhận cho nhập cảnh (vì Canada không chấp nhận trẻ em di cư bị khuyết tật), sẽ phải sang sống tại Na Uy, em rất hoang mang. Lúc đó, em chỉ nghe nói Na Uy là xứ sở chỉ có băng tuyết, đồi núi hoang vu".
Từ hai bàn tay trắng, với sự cần cù lao động, sau 20 năm vất vả, hiện nay vợ chồng anh Khái, chị Mây đã làm chủ 3 khu siêu thị lớn tại khu phố cổ của Oslo mà mọi người ở đây quen gọi là Phố chợ Việt Nam. Chúng tôi bật cười và tròn mắt ngạc nhiên khi thấy ở siêu thị của anh chị có bán cả... lá trầu không, quả cau, hạt mít, lá chanh, lá sả, tương cà mắm muối, rau muống, rau khoai, rau dền... Hình như tất cả đặc sản quê hương Việt Nam đều có mặt tại siêu thị này.
Thành danh ở Na Uy, nhưng anh Khái, chị Mây và 3 cô con gái sống rất chân tình, đơn giản. Anh chị sẵn lòng giúp đỡ những người bạn mới đến Na Uy lập nghiệp, luôn quan tâm đến việc vận động quyên góp tiền bạc gửi về nước giúp đỡ người nghèo.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Lê Thị Thu (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Na Uy và người đầu bếp Vũ Thị Như Thể.
Muốn mình giỏi Tiếng Việt hơn
Những ngày công tác tại Na Uy, phiên dịch cho đoàn chúng tôi là một bạn gái người Việt có tên là Phượng, 25 tuổi. Phượng theo gia đình sang định cư tại Na Uy khi mới 5 tuổi. Học tại Na Uy, Phượng rất giỏi tiếng Anh và tiếng Na Uy nhưng tiếng Việt thì hay bị nhầm lẫn. Cả đoàn chúng tôi bật cười khi Phượng nói "mời các cô ăn món ăn "mở miệng" thay vì phải nói món khai vị; hay "trẻ em bị bạo lực trường học " thì Phượng lại dùng "trẻ em khủng bố trường học". Mỗi lần em nhầm, chúng tôi nhắc, em xin lỗi và rất hồn nhiên hỏi cặn kẽ từng từ một, rồi hỏi cách sử dụng nào phù hợp với phong tục tập quán của quê hương.
Em thân thiện và rất nhiệt thành giúp đỡ mọi người. Em nói với chúng tôi là "em vui lắm vì mỗi lần đi phiên dịch cho các đoàn Việt Nam như thế này, em được nói tiếng Việt rất nhiều và em sẽ về Việt Nam thăm quê ngoại. Em xa quê hương rất lâu rồi nhưng em vẫn cảm nhận được hơi thở của quê hương mỗi lần được nghe âm thanh ngôn ngữ Việt tại Na Uy này".
Người đầu bếp Việt trong Tòa nhà Chính phủ
Tại tòa nhà Chính phủ Na Uy, sau khi làm việc, đoàn chúng tôi được ông Martin Kass - Thứ trưởng Bộ Y tế chiêu đãi ngay tại phòng ăn lớn. Đang nói chuyện vui vẻ, tôi bất chợt thấy ánh mắt bừng sáng của một cô gái đeo chiếc tạp dề màu đen đứng sau cây thông Noel nhìn về phía chúng tôi. Linh cảm mách bảo đây là người đồng hương, tôi tranh thủ ra làm quen.
Chị tên là Vũ Thị Như Thể, 38 tuổi, đã có gia đình và 3 đứa con đang ở tuổi học phổ thông. Rời quê hương Gò Vấp (TPHCM), Thể theo chị gái mình sang lập nghiệp tại Na Uy từ năm 1995. Chồng chị Thể làm việc tại hãng DATA, còn chị làm đầu bếp tại khu nhà ăn của Tòa nhà Chính phủ.
Chị Thể kể: "Cuộc sống ở Oslo của gia đình em tương đối ổn định, không lo lắng về vật chất. Ba đứa con đi học thì được nhà nước lo toàn bộ. Em chỉ buồn là từ năm 1995 đến nay mới về nước được một lần. Em rất nhớ quê hương, cha mẹ nhưng vì cuộc sống nên không về được".
Kết nối yêu thương cho trẻ em nghèo ngay tại Công viên
Chị Đặng Hải Tâm, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy thông tin cho bà Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Trưởng đoàn công tác của chúng tôi tại Na Uy) biết có đoàn đại diện Hội Doanh nhân Việt kiều tại Oslo muốn gặp để bàn về việc tặng quà cho trẻ em khuyết tật đúng vào lúc chúng tôi đang trên đường đi tới công viên Vegeldar.
Chúng tôi chưa biết sẽ hẹn giờ như thế nào cho phù hợp vì lịch làm việc của Đoàn đã được phía Na Uy bố trí rất sát sao. Nhưng rồi, xe chúng tôi vừa đến cửa Vegeldar thì cũng đã thấy xe của các anh chị doanh nhân Việt Kiều cùng chị Tâm đã tới nơi.
Các anh chị tay bắt mặt mừng chào đón chúng tôi và chia sẻ với bà Thanh Thanh nguyện vọng muốn cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đi trao 150 suất quà (bao gồm quần áo và 150 triệu đồng mà các anh chị vừa vận động được) dành cho trẻ em khuyết tật của 2 tỉnh miền núi. Câu chuyện không dài dòng mà chứa đựng tình cảm yêu thương của những người con xa xứ dành cho những em bé nghèo đã làm xúc động trái tim chúng tôi, những người luôn làm cầu kết nối yêu thương vì trẻ em.
Chỉ một vài ngày công tác ngắn ngủi ở Oslo, được gặp những người Việt Nam thân thương, được tận mắt nhìn những cửa hàng, của hiệu với biển hiệu tên người Việt cùng sự tự hào của họ, tôi mới hiểu được vì sao những người bạn Na Uy khi nói về cộng đồng người Việt đều mỉm cười và giơ ngón tay hình chữ V, nói: "Vietnam in Norway -Number One''.
Lan Minh