Sau phiên họp kín chiều 5/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đưa việc xem xét bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến vào chương trình kỳ họp tới. Tuy nhiên, sẽ cần có ý kiến của toàn bộ gần 500 đại biểu Quốc hội.
Dự kiến chỉ bàn trong 90 phút nhưng phần cho ý kiến về tư cách đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 5/5 kéo dài tới gần 3 giờ. Cuộc họp không có sự tham dự của đại biểu Hoàng Yến.
Trao đổi với
VnExpress.net sau phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, việc xem xét bãi nhiệm đại biểu Hoàng Yến chắc chắn được đưa vào chương trình kỳ họp cuối tháng 5. Tuy nhiên, chương trình cụ thể và thời điểm xem xét sẽ phải lấy ý kiến của gần 500 đại biểu Quốc hội tại phiên họp trù bị diễn ra trước kỳ họp.
Trong khi đó, một nguồn tin cho hay, tại buổi họp kín này đa số ý kiến tán thành xem xét miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Các đại biểu dự phiên họp đã được lấy ý kiến thông qua hình thức bỏ phiếu kín.
|
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên họp chiều 5/5. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Sáng cùng ngày, tại phiên thảo luận về chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời lượng lớn bàn về "vấn đề nhân sự" tại kỳ họp thứ 3, khai mạc ngày 21/5. Dù Văn phòng Quốc hội không nêu rõ nội dung nhân sự tại kỳ họp nhưng nhiều đại biểu đã bàn thẳng về quy trình xem xét, bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.
Hai trường hợp đã bị bãi nhiệm trước đây (đại biểu Mạc Kim Tôn - Thái Bình và đại biểu Lê Minh Hoàng - TP HCM) đều không phát biểu trước khi bị bỏ phiếu bãi nhiệm, vì khi Quốc hội tiến hành bãi nhiệm, các đại biểu này đã bị bắt. |
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vấn đề nhân sự dự kiến được bố trí xem xét vào sáng 26/5. Cơ quan này đã nghiên cứu quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, và khóa 11 cũng có tiền lệ bãi nhiệm đại biểu Mạc Kim Tôn (tỉnh Thái Bình). "Đại biểu bị đề nghị bãi nhiệm có thể phát biểu tại Quốc hội trước khi Quốc hội bỏ phiếu quyết định", ông Phúc cho hay.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, vấn đề nhân sự phải làm vào đầu kỳ họp, nhưng không nhất thiết ngay ngày khai mạc, "mà có thể vào ngày cuối tuần đầu tiên của kỳ họp". Ông lưu ý, phải làm cẩn thận, khách quan, đúng quy trình.
Trong phiên thảo luận, ý kiến duy nhất đề cập trực tiếp tới "vấn đề nhân sự" là của Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha và ông này tin rằng "đại biểu Hoàng Yến cũng sẽ phát biểu về vấn đề của mình". Riêng Chủ tịch Hội đồng dân tộc K'sor Phước lưu ý, cần phải lường trước nhiều tình huống có thể xảy ra trong quá trình xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội vì nếu xử lý không cẩn thận thì "sẽ không hay".
|
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Ảnh: Hữu Công. |
Tháng 4 vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, MTTQ Việt Nam đã đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Nữ đại biểu này bị xác định không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Cụ thể, bà Yến là đảng viên nhưng không kê khai là đảng viên. Bà này cũng không khai trong hồ sơ thông tin chồng bà là Jimmy Trần đang bị truy nã.
Trong cuộc họp báo ngày 21/4, dù không đồng tình với kết luận của cơ quan chức năng nhưng đại biểu Hoàng Yến cho biết, đã làm đơn gửi Quốc hội và sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức, Quốc hội. "Tôi lấy làm tiếc là các đại biểu, tổ chức đã tốn nhiều thời gian cho tôi trong khi đất nước còn nhiều vấn đề khác cần lo hơn. Tôi xin chấp nhận việc bãi nhiệm", bà Yến nói.
Theo Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm theo đề nghị của Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh, thành phố hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu đó. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số 500 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, sinh năm 1959, tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP HCM. Bà từng có 11 năm công tác tại UBND quận 5, TP HCM (1980-1991). Hai năm sau, bà làm việc tại Trung Tâm phát triển ngoại thương FTPT TP HCM.
Từ năm 1993 bà Yến là Giám Đốc Công ty TNHH Tân Đông Phương. Cùng thời điểm này, bà sáng lập ra Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Tân Tạo (ITA), sau đó trở thành một trong những tập đoàn phát triển khu công nghiệp và hạ tầng hàng đầu tại Việt Nam. Bà giữ chức Chủ tịch HĐQT ITA kể từ năm 1996 tới nay. Nữ doanh nhân này từng ba năm liên tiếp nằm trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam (2008, 2009, 2010).
Tháng 5/2011, bà Yến đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Bà hiện là ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Quốc hội.
|
Nguyễn Hưng
VNE