Kết quả cuộc đàm phán gần đây tại Geneva về vấn đề Syria là tốt hay xấu còn tùy thuộc vào người mà bạn hỏi.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì cho rằng chính quyền mới tại Syria phải dựa trên nguyên tắc "đồng thuận chung" về một "chính phủ chuyển tiếp", điều đó cũng đồng nghĩa với việc Tổng thống Assad sẽ phải ra đi. Trái lại, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lại cho rằng một "chính phủ chuyển tiếp" sẽ phải được xây dựng dựa trên nền tảng bao gồm cả ông Assad.
Trước khi thảo luận về việc điều này có nghĩa là gì, hãy nhìn lại một thực tế rằng: năm cường quốc nước ngoài ngồi lại với nhau để định đoạt số phận của một quốc gia, và người dân cũng như lãnh đạo của nước đó đều vắng mặt. Trong khi chính người dân nước đó lại chẳng bao giờ yêu cầu các quốc gia này can dự, và cũng chẳng hề ủy quyền cho họ. Và hẳn nhiên, điều này là vi phạm luật quốc tế. Kỳ lạ là chẳng ai mảy may quan tâm tới điều này, hoặc thậm chí nói về nó.
Giờ đây, việc cắt nghĩa thông cáo cuối cùng theo cách hiểu của Nga rõ ràng không hề đề cập tới việc phải lật đổ ông Assad, mà thay vào đó nói rằng chính quyền mới "nên được hình thành dựa trên nền tảng đồng thuận chung". Nga và Trung Quốc hiểu câu này nhằm ám chỉ rằng Tổng thống Assad cũng là một phần trong quá trình đó.
Nhưng tác giả của kế hoạch này là cựu Tổng thư ký Kofi Annan lại có một cách diễn giải khác: "Chính quyền sẽ phải được xây dựng lại thông qua thảo luận, đàm phán và đồng thuận chung, và tôi sẽ không tin rằng những người dân Syria đã chiến đấu dữ dội vì độc lập của họ... lại lựa chọn vị lãnh đạo trên tay vấy đầy máu".
Ngoại trưởng Pháp Fabius thậm chí còn nói rành mạch hơn: "Ngay cả khi họ [Nga và Trung Quốc] nói điều ngược lại, thì thực tế là câu chữ đó... hàm ý rằng đó sẽ không thể là Bashar al-Assad. Phe đối lập sẽ không bao giờ chấp nhận ông ấy, do vậy văn bản đó đơn giản có nghĩa là Assad phải ra đi và ông ấy đã chấm hết" - ông Fabius nói trên kênh truyền hình TF1.
Nghe có vẻ như Washington đã tìm ra giải pháp cuối cùng cho ông Bashar al-Assad. "Một chính phủ chuyển tiếp" dựa trên "đồng thuận chung" sẽ là ở Syria, còn "khu vực cấm bay" là ở Libya. Trong khi một người bình thường đều hiểu cụm từ "khu vực cấm bay" là một khu vực mà máy bay không được phép thâm nhập, còn Washington lại hiểu cụm từ đó có nghĩa là hơn 30.000 lần xuất kích của các máy bay ném bom của NATO và các chuyến bay do thám.
Trong trường hợp của Syria, Washington đã khởi động giai đoạn cuối cho sự ra đi của ông Assad bằng thỏa thuận Geneva. Và cũng như ở Libya, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoàn toàn nhất trí với sự thay đổi "chế độ" ở đây.
Và điều đáng nói ở đây là có vẻ như Nga lại một lần nữa sập bẫy của Washington. Mặc dù có mọi tuyên bố và nỗ lực nhưng rốt cuộc thì Nga lại ký vào một thỏa thuận ngầm để từ bỏ Syria, tương tự như việc bỏ phiếu trắng về "khu vực cấm bay" tại Libya, cho phép Washington tiến hành không kích.
Nếu kiểm soát được tình hình ở Syria, Mỹ có thể tiến thẳng vào mặt trận chống Iran. Còn với Nga, việc rơi vào bẫy của Washington lần nữa sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Trên trường quốc tế, Moscow sẽ mất đi vài phần uy tín trước các đồng minh chiến lược, đặc biệt là về phương diện với Iran.
Về mặt địa chiến lược, nếu điều này xảy ra thì Mỹ có thể tăng đà thúc đẩy trên khắp Trung Đông và tiến sâu cả vào Capkaz và Trung Á, hợp nhất các cơ sở hạ tầng của họ trên mặt trận phía nam của nước Nga và đặt dấu chấm hết cho viễn cảnh Liên minh Âu Á mà Tổng thống Putin đang muốn gây dựng.
Như vậy, đối với Nga, thiệt hại sẽ là rất khốc liệt và khó mà khôi phục được.
* Lê Thu (theo RT)