Ngày nào cũng có hàng chục ca dị ứng thuốc đến khám và điều trị tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Không ít trường hợp dị ứng sau khi sử dụng phác đồ "bao vây" của bác sĩ.
Bệnh nhân nam 76 tuổi dị ứng thuốc trong quá trình sử dụng thuốc điều trị tai biến - Ảnh: Ngọc Thắng
Có mặt tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi gặp nhiều trường hợp đến khám, điều trị do dị ứng thuốc.
Tại giường bệnh số 7, bệnh nhân nam 76 tuổi (sống tại Hà Tĩnh) đang trong tình trạng dị ứng thuốc rất nặng.
Trước khi điều trị tại Trung tâm, bệnh nhân được điều trị tại một đơn vị khác do tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, sau ba ngày điều trị tai biến với 4 loại thuốc/ngày bằng đường uống và truyền tĩnh mạch thì bệnh nhân bị phản ứng rất nặng: sốt và toàn thân nổi những bọng nước lớn. Những bọng nước này phồng rộp, có đường kính 2-3 cm, thậm chí có những mảng lớn bằng bàn tay ở vùng lưng.
Bệnh nhân còn bị loét ở miệng và bộ phận sinh dục, nguy cơ bội nhiễm cao.
Hai chân sưng phù, da bong tróc do dị ứng thuốc (một bệnh nhân nữ 52 tuổi) - Ảnh: Ngọc Thắng
Trường hợp khác là bệnh nhân nữ 52 tuổi, từ Hải Dương lên điều trị. Bệnh nhân cho biết, hơn 4 tháng trước có phát hiện lao cột sống. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc uống.
Theo phản ánh của bệnh nhân: "Đơn thuốc có 5 loại thuốc, uống mỗi ngày. Sau khi uống khoảng 2 tuần tôi thấy lâm râm ngứa. Khi nói với bác sĩ điều trị hiện tượng này thì bác sĩ bảo "không sao, cứ uống tiếp". Tôi uống thêm khoảng gần 2 tuần sau đó thì người nổi mề đay, hai chân sưng phù. Từng mảng da thâm xám, bong tróc".
Sau một tuần điều trị tại bệnh viện tỉnh với chẩn đoán "dị ứng thuốc" không đỡ, chị tiếp tục lên Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Bệnh nhân được xác định bị dị ứng thuốc.
Đơn thuốc gây dị ứng - Ảnh: Ngọc Thắng
Sau ba tuần uống đơn thuốc trên, bệnh nhân này phải nhập viện điều trị dị ứng - Ảnh: Ngọc Thắng
"Chúng tôi tiếp nhận hàng chục ca đến khám, điều trị dị ứng thuốc mỗi ngày", PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Theo PGS Đoàn, "bất kỳ thuốc nào cũng có thể gây dị ứng: kháng sinh, giảm đau hạ sốt, chống co giật, vitamin. Ngay cả thuốc chống dị ứng cũng là nguyên nhân".
Theo bác sĩ, nguy cơ dị ứng thuốc xảy ra cao hơn ở người có cơ địa dị ứng, người đang bị rối loạn chức năng cơ thể, đang có viêm nhiễm.
Để tránh nguy cơ chỉ dùng thuốc theo đơn, chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng đơn thuốc cũ. Ngay cả khi sử dụng thuốc được kê đơn cũng vẫn có nguy cơ dị ứng nên cần thông báo với bác sĩ điều trị khi thấy bất thường: sốt cao, nổi mề đay, sẩn ngứa...
"Các bác sĩ điều trị cũng nên lưu ý thêm về dị ứng thuốc để kịp thời hướng dẫn cho người bệnh. Chỉ kê đơn chỉ định khi đã có các chẩn đoán rõ ràng về nguyên nhân. Đặc biệt nên tránh tình trạng áp dụng phác đồ "bao vây" bằng cách sử dụng nhiều thuốc. Chỉ nên kê các thuốc có tác dụng điều trị trực tiếp, giảm các thuốc tác dụng điều trị "hỗ trợ" công dụng chưa rõ ràng để giảm bớt số thuốc mà bệnh nhân phải sử dụng, bớt các nguy cơ dị ứng", PGS-TS Đoàn nói.
Theo Thanhnien