Theo báo cáo của UBND Hà Nội, thành phố hiện có 655 căn hộ biệt thự và 574 căn hộ liền kề đã xây dựng xong nhưng chưa đưa vào sử dụng, hiện còn đang bỏ hoang.
Các dãy nhà hoang tại khu đô thị Văn Phú
Theo UBND Hà Nội, tính đến 30/6/2012, qua kiểm tra của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản và Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 655 căn hộ biệt thự và 574 căn hộ liền kề đã xây hoàn thiện phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Riêng các công trình chung cư, trong tổng số 14.300 căn hộ đã hoàn thành có 178 căn chưa đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1%.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, UBND Hà Nội cho biết, đó là do việc đầu tư nhà đất chưa phù hợp với nhu cầu của đa số các đối tượng xã hội; phương thức triển khai đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng khu đô thị mới chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của người dân khi đến sinh sống tại khu đô thị... cũng là nguyên nhân dẫn đến các biệt thự và căn hộ liền kề bị bỏ hoang.
Để khắc phục tình trạng này, UBND Hà Nội cho biết, tới đây sẽ hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, nhất là khi xây dựng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, hướng đến các đối tượng bình dân, chính sách.., Thành phố sẽ quy định các dự án nhà ở phải có tỷ lệ chung cư trên 80%.
Thành phố cũng sẽ xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô; bàn giao nhà hoàn thiện. Mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch.
Theo UBND Hà Nội, qua kiểm tra trên địa bàn thành phố hiện có 655 biệt thự liền kề đã xây dựng xong nhưng bỏ hoang.
“Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ % giá trị hợp đồng theo các thời hạn 3 tháng, 6 tháng và 1 năm với các biệt thự bỏ hoang. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên”, UBND Hà Nội khẳng định.
Điều chỉnh mật độ xây dựng các đô thị là cần thiết
Lý giải cho việc thời gian gần đây, thành phố liên tục điều chỉnh mật độ xây dựng của một số dự án khu đô thị và nhà cao tầng trên địa bàn thành phố, UBND Hà Nội cho biết, mục đích điểu chỉnh là để quy hoạch đô thị được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Theo UBND Hà Nội, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (chưa mở rộng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, thành phố đã tổ chức nghiên cứu, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực phát triển đô thị trung tâm (các quận, huyện) trong các năm 1999, 2000 và 2001. Vì thế, với tốc độ phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm 2000-2010, việc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp là cần thiết.
Hơn nữa, việc điều chỉnh quy hoạch là để phù hợp với Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Hà Nội mở rộng), khớp nối hạ tầng và phát triển kinh tế- xã hội, khai thác hiệu quả sử dụng đất, không gian cảnh quan đô thị và phù hợp với công tác quản lý đô thị, quản lý các khu đô thị mới, hiện đại.
Theo UBND Hà Nội, căn cứ để điều chỉnh các quy hoạch trên, thành phố căn cứ vào Luật Quy hoạch đô thị; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý QHĐT. Điều chỉnh Quy hoạch đô thị (trong đó có điều chỉnh mật độ xây dựng), được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chi tiết nói trên là 3 năm.
“Ngoài ra, thành phố căn cứ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định hiện hành liên quan...”, đại diện lãnh đạo UBND Hà Nội khẳng định.
Nguồn: VnMedia