Khi nhắc đến đệ nhất danh trà, rất nhiều người cũng ngầm hiểu đang nói đến vùng trà Thái nguyên. Trà Thái Nguyên ngon là vậy, nhưng không phải "Trà ngon là nhờ trời ban" như nhiều người vẫn thường nhầm tưởng.
Để làm ra những mẻ trà ngon, những người làm chè Thái phải vất vả một nắng, hai sương, trải qua nhiều công đoạn, chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè... rất kỹ lưỡng.
Từ ngày xưa, dân gian đã "sánh đôi" cái tinh tế, đằm thắm, thanh thoát của người con gái xứ Tuyên Quang với sự tinh túy, hương vị thơm ngon khó quên của chè ở vùng đất Thái Nguyên. Quả thật, cái cách người Thái Nguyên chăm cây chè có lẽ cũng không thua kém cô gái Tuyên Quang nuôi dưỡng, gìn giữ sắc đẹp của mình. Để một đọt chè non đủ tiêu chuẩn thu hoạch, người trồng chè phải mất 30-45 ngày chăm sóc và phải cần mẫn, nâng niu lắm thì chè mới đạt đến độ "muồi", đến khi ấy thì mới bẻ đọt chè non.
|
Thái Nguyên – vùng đất của những cánh đồng trà. |
Có lá chè tốt tươi rồi, nhưng muốn làm cho được một mẻ trà cho thật thơm ngon cũng thật kỳ công. Người làm trà phải tiêu tốn đúng sáu giờ đồng hồ liền trên bếp than đỏ của một ngày hè nóng như lửa đỏ. Vậy mà chỉ sao được có vài ba lạng trà khô thành phẩm. Thứ trà ấy được gọi là "trà đặc biệt". Và vì công phu như vậy, nên nó chỉ được dùng để pha đãi khách quý và để biếu, chứ không một người làm trà nào chịu bán.
Gọi chung là trà Thái Nguyên nhưng không phải vùng nào cũng giống nhau. Đã từ lâu, giới thưởng trà truyền tụng về một địa danh thường cung cấp loại trà nổi tiếng - trà Tân Cương. Đây được tôn vinh là "Đệ nhất danh trà", lưu truyền từng là sản vật để tiến vua.
|
Trà xanh đóng chai đã mang đến một nét mới trong văn hóa trà Việt. |
Trà búp - Tân Cương cánh săn nhỏ và cong như móc câu, có mầu "mốc" đặc trưng. Khi pha, bạn phải thả búp trà vào ấm sành sứ và cứ nghe tiếng roong roong. Khi để một dúm trà trong lòng bàn tay, bạn hà hơi vào là đã thấy mùi thơm ngầy ngậy; nhai thử vài cánh trà cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà. Tương truyền trà Tân Cương khi được pha với sương sớm hứng ở đồi Tân Cương sẽ tạo nên vị trà độc đáo, nước trà có hương vị tự nhiên, màu nước xanh vàng, vị chát dịu, vị ngọt còn lắng sâu trong vị giác người thưởng trà.
Ngày nay, cùng với xu thế phát triển của xã hội, công nghệ hiện đại đã "len lõi" trong từng công đoạn chế biến trà. Máy móc đã thay thế cho đôi bàn tay và những giọt mồ hôi của người nông dân trồng trà, mang lại cho người thưởng trà hương vị của một thời "vang bóng", mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất về an toàn thực phẩm. Trà đóng chai tiện lợi, đẹp mắt và hợp vệ sinh cũng dần thay thế ba loại ấm: Thứ nhất Thế Đức gan gà - thứ nhì Lưu Thủy - thứ ba Mạnh Thần” của nhà văn Nguyễn Tuân.
VNE