Ngắm các loại chứng minh thư nhân dân đặc trưng của mỗi quốc gia...
Chứng minh thư, thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân là những tên gọi khác nhau để chỉ loại một loại giấy tờ ghi những thông tin cơ bản của công dân do chính quyền cấp. Tại Việt Nam, tấm thẻ này được gọi là “chứng minh thư nhân dân”. Mỗi nước trên thế giới lại có những công nghệ và quy định khác nhau trong việc làm chứng minh thư.
Tại Malaysia, chứng minh thư còn có tên gọi khác là MyKad (my là ký hiệu quy ước quốc tế chỉ Malaysia). MyKad được gắn một con chip chứa thông tin nên người dân Malaysia có thể dùng tấm thẻ này để đi khám bệnh, mua sắm hay đăng ký giấy phép lái xe. Trẻ em 12 tuổi phải đi làm MyKad và đến năm 18 tuổi thì họ phải làm lại lần nữa.
Từ năm 17 tuổi, mỗi công dân Indonesia đi làm một chứng minh thư có gắn một con chip ghi các dữ liệu nhân trắc bao gồm dấu vân tay và hình dạng đồng tử của mắt. Khi kết hôn, người Indonesia phải đi làm lại chứng minh thư vì tình trạng kết hôn được quy định phải ghi trên tấm thẻ này.
Cộng hòa Czech: chứng minh thư được cấp từ năm 15 tuổi. Chứng minh thư ở Czech còn có giá trị như một tấm hộ chiếu du lịch, cho phép người dân Czech đi lại tự do trong khối các nước Schengen (khu vực đi lại tự do giữa 26 nước châu Âu).
Hungary: người Hungary đi làm chứng minh thư từ năm 14 tuổi giống với nước ta. Tuy nhiên, chứng minh thư của nước này không yêu cầu ghi địa chỉ sinh sống vì chính quyền coi đó là thông tin riêng tư của công dân. Mặt sau của chứng minh thư chỉ yêu cầu ghi tên của người mẹ mà không có người bố.
Ba Lan: tên riêng của bố và mẹ mỗi công dân Ba Lan được ghi ở mặt trước của chứng minh thư (người phụ nữ này có bố tên Jan, mẹ là Barbara). Một con chip điện tử được cài vào ghi các thông tin nhận dạng và người Ba Lan có thể trực tiếp dùng thẻ chứng minh thư để đóng thuế thu nhập. Người Ba Lan nhận chứng minh thư vào năm 18 tuổi.
Rumani: giống như Ba Lan, chỉ có tên riêng của bố và mẹ được ghi trên mặt trước chứng minh thư (bởi không đủ chỗ ghi họ và tên đệm của cả bố và mẹ). Người Rumani được cấp chứng minh thư từ năm 14 tuổi.
Tây Ban Nha: 14 tuổi cũng là độ tuổi cấp chứng minh thư tại nước này. Mặt trước chứng minh thư có một ảnh chân dung đen trắng của chủ nhân, còn mặt sau có ghi tên của cả bố và mẹ. Trong trường hợp một người Tây Ban Nha không biết tên bố hoặc mẹ của mình thì không cần phải ghi vào.
Croatia: chứng minh thư tại nước này được ghi bằng hai thứ tiếng (tiếng Croatia và tiếng Anh) và không yêu cầu ghi tên bố và mẹ. Người Croatia nhận chứng minh thư lần đầu năm 15 tuổi.
Mỹ: người Mỹ không có chứng minh thư mà sử dụng hộ chiếu hoặc bằng lái xe làm giấy tờ tùy thân thiết yếu. Do vậy, bằng lái xe do chính quyền tiểu bang cấp được coi như một dạng chứng minh thư trên thực tế, có thể được dùng để đặt vé máy bay hoặc mở tài khoản ngân hàng (trong ảnh là bằng lái xe do tiểu bang New York cấp). Những người không lái xe cũng được chính quyền cấp một tấm thẻ tương tự.
Australia: tấm bằng lái xe này được chính quyền vùng thủ đô Australia cấp và được người dân nước này sử dụng thay chứng minh thư trong các giao dịch hoặc chứng minh độ tuổi. Một số nước khác trên thế giới không cấp chứng minh thư cho công dân là Anh, Canada, New Zealand, Nhật Bản và Na Uy.
Ai Cập: công dân Ai Cập được cấp chứng minh thư từ năm 16 tuổi và phải làm lại sau 7 năm. Người dân Ai Cập phải ghi rõ tôn giáo còn phụ nữ phải sử dụng họ của chồng trên chứng minh thư sau khi kết hôn.
Việt Nam: mẫu chứng minh thư mới đang được triển khai ở nước ta. Một số thay đổi đáng chú ý trong sự thay đổi này bao gồm việc đổi số chứng minh nhân dân từ 9 chữ số thành 12 chữ số và ở mặt sau chứng minh thư có ghi rõ họ tên của cả cha và mẹ.
Đặc biệt với việc in mã vạch 2 chiều, khi dùng thiết bị đọc sẽ hiện lên một số thông tin qua đó có thể xác định được chứng minh thư là giả hay thật...
Theo Quốc Trung
MASK/Kênh14