- Người dân thôn Nghĩa Môn, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa gọi anh Vũ Văn Sáu (49 tuổi) là "gã khùng". Sau khi ly dị vợ, gã xem những vật nuôi như gà, vịt, ngan, ngỗng như bạn tri kỷ. Gã ở cùng với gà, vịt ngay trong trong ngôi nhà mái bằng khang trang.
Gà đẻ trên giường cưới
"Hiện trong nhà tôi có vài trăm con ngan gà các loại. Tôi nuôi quanh năm, cứ bán lứa nọ lại nuôi lứa kia. Một ngày tôi băm vài cây chuối, trộn với cám cho ngan, gà ăn. Công việc tối mắt tối mũi, một mình ăn uống cũng qua quýt, giờ giấc lung tung. Buổi trưa có hôm 2h chiều tôi mới ăn, còn buổi tối thì có hôm 10 giờ mới ăn tối. Giờ tôi ít đi bắt rắn, chủ yếu thu mua từ những người quanh vùng".
Người dân làng Nghĩa Môn thừa nhận gã Sáu là người có đầu óc kinh doanh, nổi tiếng cả vùng về chăn nuôi. "Tôi đã làm nhiều nghề, nhưng tâm huyết nhất vẫn là nghề chăn nuôi ngan, gà. 10 năm nay, tôi coi ngan, gà như người bạn tri kỷ của mình. Lúc đầu tôi nuôi tập trung ở ngôi nhà ngói 5 gian. Nhưng số lượng ngan gà cứ tăng dần và chiếm hết diện tích của người ở. Có hôm mưa gió, ngan gà lũ lượt kéo vào sân, leo lên hè rồi vào nhà trú. Thấy trời mưa rét, tôi để chúng vào nhà ở cùng. Từ đó ngôi nhà mái bằng khang trang để ở, tôi cũng dành để chăn nuôi", gã Sáu cho hay.
Gã cho biết thêm: "Đến chiếc giường cưới của tôi, giờ cũng để cho ngan, gà nằm đẻ trứng và ấp trứng. Chiếc xe máy của tôi để góc nhà lâu không đi, giờ để cho ngan, gà nó đậu. Tối đến tôi mắc chiếc võng nằm ngủ giữa nhà, lũ ngan gà quây quần bên cạnh".
Khi tôi bước vào thăm "tổ ấm" của gã và những con gà, căn nhà mái bằng khang trang, vôi ve trên tường đã ngả màu, không khí nồng nặc mùi hôi thối. Người ngoài như tôi mới bước vào nhà hẳn sẽ thấy rất khó chịu. Nhưng gã đã quen mùi này nên vẫn ngủ ngon.
Tôi hỏi gã: Ăn ở với gà thế này anh không sợ bẩn, bị bệnh sao? Gã cười và bảo: "Mình làm nghề chăn nuôi, coi con vật cũng như con mình. Bẩn chút cũng không sao. Mọi người mới nhìn vào thì thấy bẩn chứ tôi sống bên ngan gà lâu thấy bình thường. Nếu tôi bị bệnh đã bị lâu rồi. Khách đến nhà, người nào thông cảm thì ngồi chơi uống chén nước bên gà, không thì thôi".
Toàn cảnh ngôi nhà mái bằng của gã Sáu nuôi ngan, gà.
Thoát chết nhờ thần dược
Gã không chỉ yêu gà mà còn bắt rắn giỏi có tiếng ở đất Bỉm Sơn. Gã kể: "Hơn mười năm về trước, trong một lần lên Lạng Sơn lấy hàng, tôi đã quen được một thợ bắt rắn người dân tộc H’Mông. Thấy tôi thích thú với công việc này, hắn đã chỉ cho tôi cách thức bắt các loại rắn độc, trong đó có cả rắn hổ mang chúa. Hắn bảo bắt các loại rắn độc không khó, quan trọng phải hiểu nó. Chẳng hạn, rắn hổ mang chỉ cắn và nhả nọc độc khi bị chọc giận. Chiếc quần có hơi người mặc là khắc tinh của rắn, rắn dù độc và hung dữ bao nhiêu nhưng khi dùng chiếc quần đó bọc vào tay là có thể bắt rắn".
Không chỉ dạy cho gã bắt các loại rắn, anh chàng người H’Mông đó còn cho gã loại thuốc giải khi bị rắn độc cắn. Loại thuốc đó được chế từ lá cây rừng nghiền nhỏ. Gã bảo: "Hơn 20 năm hành nghề bắt rắn, tôi sống đến bây giờ nhờ thuốc giải độc đó. Không có nó, có lẽ tôi đã chầu trời từ lâu rồi. Trước khi bắt rắn độc tôi đều phải uống thuốc giải, đề phòng không may bị cắn".
Gã tiếp lời: "Năm 1995, khi đó có người dân đi làm ruộng chạy về báo có con rắn hổ mang chúa bò từ hang ra bờ ruộng. Tôi tức tốc lấy đồ nghề đi bắt, lên đến nơi rắn đã chạy gần vào hang, tôi lấy gậy gảy rắn ra ngoài, quấn miếng vải vào tay túm lấy cổ rắn. Đang cho rắn vào túi thì tôi bị nó cắn vào bàn tay. Biết loại rắn này có độc tính rất cao, tôi uống ngay thuốc giải, một tay vuốt cho máu độc chảy ra. Nhờ thế khi mọi người đưa đi cấp cứu, tôi mới thoát chết. Loại rắn này cắn nếu không uống thuốc giải độc kịp thời, vài phút có thể chất độc đã ngấm vào người, khó giữ tính mạng".
Anh Sáu coi ngan, gà là bạn tri kỷ.
"Tôi sợ phụ nữ lắm rồi!"
Người ta gọi gã là khùng cũng chả sai. Gã bỏ vợ vì một lý do mà rất nhiều người sẽ không làm thế. Gã sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em. Hơn 30 tuổi, gã lấy vợ là người con gái cùng làng. Gia đình vợ gã nghèo đến nỗi khi cưới đôi dép cũng phải thuê. Sau lễ cưới, gã phải ra chợ mua cho vợ đôi dép đi để đỡ xấu hổ. Cuộc sống vất vả, nhưng việc gì vợ chồng gã cũng đỡ đần nhau. Niềm hạnh phúc của gã nhân lên gấp bội khi biết vợ đã mang thai. Ngờ đâu niềm vui chưa đến, nỗi buồn đã cận kề.
Gã kể: "Biết vợ mang thai, việc nặng nhọc tôi đều làm. Chỉ cho cô ấy làm những việc nhẹ nhàng ở nhà. Nhưng một lần sơ ý, cô ấy đã làm sẩy thai. Cô ấy không nói gì với tôi mà bảo người nhà đưa lên viện để điều trị. Tôi chỉ biết tin khi người nhà cô ấy nói lại với tôi. Nằm trên viện mấy tuần, khi về nhà cô ấy cũng không nói gì với tôi về lý do sẩy thai. Thức ăn tôi nấu cô ấy cũng không ăn. Người nhà cô ấy mang cho cái gì thì ăn cái đó.
Tôi uất ức trong lòng, nhưng thấy vợ ốm đau nên đành nhịn. Cô ấy chỉ cần nói với tôi một câu, tôi sẽ thông cảm. Đằng này, cô ấy giấu tôi, nhờ người nhà cho đi viện. Như vậy là cô ấy không coi tôi là chồng cô ấy. Tôi căm ghét và không bao giờ tha thứ điều đó. Vì thế, tôi đã viết giấy ly hôn, không thể sống với người đàn bà gian dối".
Trước khi ra về gã tâm sự với tôi rằng: "Những năm qua, suốt ngày đầu tắt mặt tối, giờ cũng có số vốn nhất định, cũng muốn lấy một người về để quán xuyến, đỡ đần công việc. Muốn có đứa con để sau này già yếu có người chăm sóc. Nhưng cứ nghĩ đến việc người vợ trước đây, tôi đã mất niềm tin phụ nữ. Tôi sợ phụ nữ lắm rồi!".
Hằng ngày, gã Sáu băm vài cây chuối cho ngan, gà ăn.
"Anh Sáu chăm chỉ làm lụng nhất làng, lúc nào, mọi người cũng thấy anh bận bịu. Anh là người chăn nuôi có tiếng trong làng. Ngan, gà không chỉ được anh nuôi trong vườn, mà vào cả trong nhà để sống chung với anh. Anh ly dị vợ đã lâu, nhưng vẫn ở một mình".
Bà Nguyễn Thị Hoa (Hội Phụ nữ thôn Nghĩa Môn)
Đức Lợi
theo bee