Nghị viện châu Âu vừa phê chuẩn quy định cấm hoàn toàn hành vi cắt vây cá mập trên biển.
Giới bảo tồn ước tính khoảng 73 triệu cá mập bị giết mỗi năm để phục vụ nhu cầu ăn súp vi cá mập của con người. Ảnh:
friendseat.com.
Với 566 phiếu thuận, 47 phiếu chống và 16 phiếu trắng, nghị viện châu Âu đã thông qua luật cấm hoàn toàn hành vi cắt vây cá mập,
BBC đưa tin.
Liên minh châu Âu (EU) cấm cắt vây cá mập từ năm 2003, song vẫn cấp một loại giấy phép đặc biệt. Nếu ngư dân có giấy phép đặc biệt, họ vẫn có thể cắt vây cá mập rồi thả xác cá xuống biển. Với quyết định mới nhất của nghị viện châu Âu, hành vi đó sẽ bị cấm triệt để.
Nhiều tổ chức bảo tồn đã hoan nghênh nghị quyết của nghị viện châu Âu.
"Quyết định của nghị viện châu Âu tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực chấm dứt một thông lệ gây lãng phí tài nguyên", Sandrine Polti, một cố vấn của tổ chức bảo vệ môi trường Pew và Liên minh Bảo vệ cá mập, phát biểu.
Vây cá mập là nguyên liệu chính của súp vi cá, một món ăn sang trọng và khá phổ biến ở châu Á. Ngoài ra người châu Á còn dùng vây cá mập để làm thuốc cổ truyền. Giới bảo tồn cho rằng nhu cầu ăn súp vi cá cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở châu Á là hiểm họa lớn nhất đối với cá mập.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, trung bình mỗi ngày con người cắt vây của khoảng 30.000 cá mập, tương đương với 10 triệu con mỗi năm. Tuy nhiên, các tổ chức bảo tồn khẳng định con số thực tế còn cao hơn nhiều. Họ cho rằng 73 triệu cá mập mất mạng mỗi năm chỉ để phục vụ nhu cầu ăn súp vi cá mập, và người dân châu Âu tiêu thụ 14% số vây cá mập trên toàn thế giới.
Do thời gian sinh trưởng dài và đẻ ít con sau mỗi lần mang thai, cá mập là một trong những nhóm động vật dễ bị tuyệt chủng nhất.
Minh Long - vnexpress