Sau "Bóng ma học đường", "Mỹ nhân kế" là tác phẩm điện ảnh Việt thứ 2 được thực hiện với định dạng 3D.
Nhà quay phim Trinh Hoan bên chiếc máy quay nặng gấp 4 lần máy thường.
Máy quay 3D nặng gấp 4 lần máy thường
Hiện nay, kỹ thuật quay phim 3D không chỉ là khá mới tại Việt Nam mà ngay cả các nước trong cùng khu vực. Hầu hết, các máy quay 3D đều thuê và sử dụng phần kỹ thuật của Hong Kong. Nhà quay phim Trinh Hoan cho biết, nỗi khổ lớn nhất của mọi người chính là việc di chuyển các thiết bị này vì khối lượng nặng gấp 4 lần so với máy quay thường.
365 cảnh xóa dây
Mặc dù đã được khuyến cáo “hạn chế các cảnh xóa dây khi quay 3D” nhưng với kịch bản của
Mỹ nhân kế thì điều này là bất khả thi. Ví dụ như cảnh mấy mỹ nhân đá cầu, các tư thế mà diễn viên biểu diễn trong phim ngay cả các vận động viên cầu mây chuyên nghiệp cũng không thể làm nổi nên buộc lòng phải dùng dây.
Theo tiết lộ của Trinh Hoan,
Mỹ nhân kế có đến 365 cảnh cần phải xóa dây, xóa phông nền không cần thiết cùng các kỹ xảo, hiệu ứng. Số lượng nhân viên thực hiện phần hậu kỳ cho phim đã lên tới con số hơn 40 người. Bình thường, nếu là 2D, các hình ảnh không nổi lên thì người thực hiện chỉ cần xóa dây một lần, nhưng với 3D thì phải xóa dây 2 lần, một lần cho mắt phải và một lần cho mắt trái, sau đó phải chồng lại với nhau sao cho hình ảnh thật trùng khớp.
Tăng Thanh Hà xem lại cảnh quay của mình bằng kính 3D.
Để có những cảnh quay đẹp
Các cảnh quay góc rộng để tạo hiệu ứng hình ảnh tuy đơn giản nhưng lại là một trong những cảnh quay rất khó. Không thể sử dụng một số ống kính đặc biệt như thuờng lệ, ê-kíp đã phải chế ra nhiều thiết bị để khắc phục điều đó.
Ngoài hệ thống cáp để quay các cảnh bay và phi thân, còn có một hệ thống cáp khác tương tự để treo và di chuyển máy để mở rộng cảnh quay. Điều này giúp tạo ra được hiệu ứng hình ảnh cho phim như khi thực hiện quay bằng flying - cam (treo máy quay trên một thiết bị bay, dạng giống như mô hình máy bay thu nhỏ và thực hiện các góc máy từ trên cao xuống).
Hệ thống cáp để cảnh quay hoành tráng khi nhìn từ trên cao xuống.
Thiết kế bối cảnh cũng là một công đoạn khó khăn với thời gian làm việc suốt hơn 3 tháng ròng rã của gần 30 người do nhà thiết kế Mã Phi Hải dẫn đầu. Địa hình ở resort Ngọc Sương (nơi đã từng quay
Những nụ hôn rực rỡ) chủ yếu là đá và cát rất khó để dựng nhà nên phần này phải mất một tháng rưỡi mới hoàn thành xong phần khung của "hắc đếm" Đường Sơn Quán.
Yêu cầu của “hắc điếm” là phải mang vẻ đẹp cổ kính nhưng lại vừa sang trọng nên cả đoàn lại phải mất rất nhiều công sức để pha trộn giữa tre và gỗ cộng thêm mạ đồng cho tất cả các chân cột trong nhà. Gần 11 ngàn cây tre đã được sử dụng cho thiết kế này.
Căn nhà hoàn toàn bằng gỗ và tre được dựng trong khuôn viên resort Ngọc Sương.
Bồn tắm sữa dê độc đáo của các mỹ nhân.
Ngoài "hắc điếm", thì phòng của Kiều Thị, Đào Thị và khu hồ tắm sinh hoạt của các mỹ nhân cũng là một trong những chi tiết khiến các khán giả bất ngờ. Đặc biệt, khu hồ tắm nguyên sơ của resort rộng đến 70 mét vuông, vì thế để có một hồ tắm với độ rộng vừa đủ và có nhiều đá như trong phim, ê-kíp của Mã Phi Hải phải di dời đá, ngăn hồ tắm ra làm hai.
ANH DƯƠNG
Theo Infonet