
Biệt thự đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc. Ảnh: čt24.
“Cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho nhân dân Việt Nam và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa bay tại Praha-Košíře từ giữa thập niên 90,“ kênh ČT mở đầu phóng sự về chuyến thăm đại sứ quán Việt Nam tại Séc.
Trụ sở này nằm trên đường Plzeňská và là ngôi biệt thự cổ được xây dựng khi nước Tiệp Khắc mới được thành lập. Sau khi được sử dụng nhiều năm như một trụ sở an ninh, vào giữa những năm 90, nó được nhà nước Việt Nam mua lại từ Séc.
“Quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc bắt đầu từ những năm 50. Đại sứ quán của chúng tôi bắt đầu mở tại Praha vào năm 1955. Chúng tôi đã nhiều lần thay đổi trụ sở và khu nhà này được chúng tôi mua lại từ nhà nước Séc vào giữa thập niên 90 với giá 26 triệu korun,“ đại sứ Đỗ Xuân Đông nói với phóng viên kênh Truyền hình Séc. Khoản tiền 26 triệu korun tương đương với 26 tỷ VND. Theo đại sứ, sau khi được mua về, biệt thự còn được sửa chữa trong nhiều năm với chi phí trên 10 triệu korun.
Qua phóng sự của kênh Truyền hình Séc chiếu ngày 13.1.2013, khán giả Séc có thể nhận thấy toàn bộ các cửa ra vào được thay bằng cửa xếp gỗ nâu đỏ kiểu Việt Nam, kèm theo đó là các đồ trang trí nội thất cũng được mang sang từ Việt Nam. Tuy nhiên, đoàn làm phim Séc lại thấy lí thú nhất là bàn thờ.
“Một vật dụng ở sứ quán khác còn là bàn thờ, song không thờ phật dù ở Việt Nam, phật giáo là tôn giáo phát triển rộng rãi nhất. Trên bàn thờ là ảnh lãnh đạo cộng sản Hồ Chí Minh và lá cờ Việt Nam. Tuy vậy, đại sứ không cho phép quay phim bàn thờ,“ dẫn chương trình nói trong phóng sự kể trên. Theo đại sứ Đỗ Xuân Đông, đó là nơi tôn kính, vì thế không đồng ý cho quay phim.

Séc cho rằng VN còn đang trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ảnh: čt24.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh được người Việt Nam coi như một vị thánh vì đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Trên ban thờ, chúng tôi có thể để ảnh hay tượng của bất kì ai mà chúng tôi tôn kính,“ ông giải thích việc thờ cúng bác Hồ.
Ngoài đại sứ quán, ông Đỗ Xuân Đông còn thuê một ngôi nhà ở cạnh sông Vltava để làm việc. Đây chính là lãnh sự Việt Nam tại Séc. Chuyến công tác sang Praha lần này là do đích thân ông chọn lựa.
“Ngoại giao không phải chuyên ngành chính trị của tôi. Trước đây, tôi làm cố vấn cho chủ tịch nước, người cùng với thủ tướng cho tôi tự chọn nơi đi công vụ,“ nhà ngoại giao không chuyên đồng thời là cựu chiến binh cho biết. Trước đây, ông đã có dịp đi thăm Praha vào cuối những năm 70 khi đang du học ở Nga và đem lòng yêu nó, còn giờ đây, ông ưa thích bia Séc và đánh golf.
Hiện tại, Séc đang có khoảng 55 nghìn người Việt Nam sinh sống hợp pháp và hàng chục nghìn người khác sống chui lủi. Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài đông thứ ba tại Séc. Đại sứ cho biết luôn theo dõi hoạt động cộng đồng nhưng không can thiệp.
“Đó là việc của Hội người Việt Nam tại Séc, một tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ những người Việt Nam đã trở thành công dân Séc được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 13 tại Séc,“ ông cho biết. Ngoài ra, ông ủng hộ các hoạt động văn hóa tại đây và đang đàm phán để đưa các đoàn ca múa nhạc sang biểu diễn.
Phóng sự Sứ quán Việt Nam trên kênh Truyền hình Séc ngày 13.1.2013.