Ông Nguyễn Mạnh Cầm là bộ trưởng ngoại giao cuối cùng (không kiêm nhiệm) có chân trong Bộ Chính trị
Cựu bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nói "tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy 'một mất một còn' vẫn nổi trội trong các mối bang giao".
Ông cũng nói về tầm quan trọng trong xây dựng các mối quan hệ đối tác, trong đó có quan hệ với cựu thù Hoa Kỳ.
Ông Cầm, 85 tuổi, giữ chức Ngoại trưởng từ 1991-2000, Phó Thủ tướng từ 1997-2002, và là bộ trưởng ngoại giao không kiêm nhiệm cuối cùng có chân trong Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Ông vừa có bài trả lời phỏng vấn báo điện tử Tuần Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hòa đàm Paris, trong đó ông đưa ra một số bình luận về chính sách đối ngoại của chính phủ Việt Nam gần nửa thế kỷ qua.
Người từng làm công việc theo dõi hội đàm Paris và thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam, sau đó đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam trong gần 10 năm, thừa nhận chính sách "cân bằng động" trong quan hệ với hai đồng minh lớn của Việt Nam thời kỳ chiến tranh với Hoa Kỳ - Liên Xô và Trung Quốc.
Chính sách này dựa trên nền tảng "một lý do quan trọng mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn có lần đã giải thích một cách đơn giản: Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!".
Trong khi khen ngợi thành công trong đấu tranh ngoại giao để đi đến thực sự kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Cầm cũng nói đến điều mà ông gọi là 'cơ hội bị bỏ lỡ'.
Trước hết, theo ông, cơ hội hòa hợp dân tộc bị bỏ lỡ sau Hiệp định Paris "do chủ trương tràn ngập lãnh thổ của Sài Gòn".
Đồng thời, trong những năm sau đó, "cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm".
'Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời '
Theo cựu ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, thách thức đặt trước dân tộc Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại là tư duy đối đầu, triệt tiêu lẫn nhau trong quan hệ với các nước ngoài.
Bên cạnh đó, là chính sách của nước lớn đối với nước nhỏ, mà ông gọi là "tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt", tuy không chỉ rõ tên cường quốc.
"Đấy chính là khởi nguồn đã gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử, nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán!"
"Cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm cũng là do tư duy đối đầu ấy gây ra!"
Ông cảnh báo: "Vấn đề tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ là bài học vô cùng quan trọng".
"Trong ngoại giao nói riêng và vận nước nói chung, nếu ta để nhỡ thời cơ, có khi phải mất rất lâu, thời cơ mới xuất hiện trở lại, hạn chế rất lớn đến lộ trình thực hiện các mục tiêu tổng thể của cách mạng."
Một số năm trước đây, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã có quan điểm trong thượng tầng lãnh đạo Việt Nam cho rằng nên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tiến trình này tới nay chưa dịch chuyển được bao nhiêu.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm kêu gọi "vấn đề thời cơ, vấn đề tập hợp lực lượng, ngày nay ta gọi là xây dựng hệ thống các quan hệ đối tác, là những vấn đề cốt tử của cách mạng".
Ông cũng trích lời Nguyễn Trường Tộ, người được xem như một trong các ông tổ của ngành ngoại giao Việt Nam: "Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời. Khi quay đầu nhìn lại, cơ đồ mất trăm năm".
Nguồn: BBC