Theo cảnh báo của các chuyên gia, phần lớn mèo TQ là mèo bẩn, nếu ăn vào có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Sau mặt hàng gà lậu, lực lượng chức năng ở Quảng Ninh lần đầu tiên đã bắt được một vụ vận chuyển mèo lậu với số lượng lớn lên tới 4.000kg từ Trung Quốc (TQ) để đưa vào tiêu thụ trong nước.
Đưa mèo vào bằng cả đường thủy
Theo Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, ngày 10.3, lực lượng chức năng liên ngành của tỉnh đã bắt giữ được 2 xe ô tô tải vận chuyển gần 4.000kg mèo nhập lậu vào lúc rạng sáng tại khu vực đường 18A qua Mông Dương - Cẩm Phả - Quảng Ninh. Theo đánh giá, đây là vụ vận chuyển mèo lậu bằng đường bộ với số lượng lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện, bắt giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đoàn Duy Ái – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng từng phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển mèo lậu bằng ô tô với số lượng lên tới vài tấn. Song sau khi các lực lượng chức năng làm chặt, những đối tượng buôn mèo đã chuyển sang vận chuyển bằng đường thủy để qua mặt cơ quan chức năng. Vì thế, có thể nói đây là vụ vận chuyển mèo với số lượng rất lớn từ trước tới nay”.
Theo ông Ái, thường các đối tượng sau khi nhập mèo lậu bằng đường thủy hoặc ô tô (với số lượng lớn như vụ vừa rồi), sẽ tiếp tục xé lẻ mèo để đưa sang những ô tô nhỏ hơn rồi đưa đi các tỉnh khác tiêu thụ. Địa điểm cập bến của những con mèo lậu này thường là tỉnh Thái Bình- nơi người dân coi mèo là món đặc sản.
Thừa nhận đã có rất nhiều mèo lậu từ TQ được đưa vào địa bàn tỉnh mình, ông Nguyễn Văn Đức – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, trước Tết Nguyên đán 1 tháng, Chi cục có phối hợp với các đơn vị chức năng bắt được một vụ vận chuyển mèo từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Thái Bình. Chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. “Do mèo là loài vật có thể truyền nhiễm bệnh dại, nên sau đó chúng tôi cũng đã chỉ đạo lập 2 chốt để kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán kinh doanh loại vật này” - ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình, người dân vẫn còn giữ thói quen sử dụng thịt mèo trong các đám cưới, hỏi, nhưng với số lượng bao nhiêu thì không thể biết được. Trong khi đó, lý giải về việc buôn bán mèo lậu từ TQ, ông Ái nhận định, hiện chưa rõ giá mèo của TQ khi đưa về nước ta có chênh lệch nhiều không, nhưng chắc chắn là có lợi nhuận thì các đối tượng mới tìm mọi cách để vận chuyển, buôn bán, kinh doanh trái phép loài vật này. Ông Ái cũng cho biết, ngay trong ngày 12.3, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã tổ chức một cuộc họp gấp để bàn biện pháp ngăn chặn, đối phó với mèo nhập lậu từ TQ.
Chủ yếu là mèo bẩn
TS Văn Đăng Kỳ- Trưởng phòng Dịch tễ thú y (Cục Thú y) cho biết, trước đây, có một thời gian chúng ta cũng bán mèo sang TQ. Việc lực lượng chức năng Quảng Ninh bắt được hàng tấn mèo lậu có thể do thương lái lợi dụng sự chênh lệch giá nhằm thu lợi bất chính. Ông Kỳ cũng khẳng định: “Chúng ta không có chủ trương nhập mèo. Nhiều địa phương trong nước ưa chuộng món thịt mèo, nên dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có việc lợi dụng để nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Mèo nhập lậu từ TQ mà không được cơ quan chức năng cấp giấy tờ hợp lệ thì dứt khoát là mèo bẩn”.
Đặc biệt, việc nhập lậu mèo sẽ gây khó khăn cho công tác khống chế và phòng trừ bệnh dại dù Bộ NNPTNT đã phê duyệt kế hoạch đưa chó, mèo vào diện bị quản lý. Bởi thực tế, hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo ở trong nước thấp. “Trên thực tế, ở trong nước, chúng ta khó quản lý được đàn mèo nên tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. Nếu tình trạng nhập lậu mèo không được kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các vật nuôi khác ảnh hưởng đến sức khỏe con người”- TS Kỳ cho biết thêm.
Còn theo TS Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, các địa phương và lực lượng chức năng cần chặn đứng ngay tình trạng nhập lậu mèo. Việc nhập lậu mèo làm đặc sản chỉ phục vụ cho một nhóm người nhưng lại gây ra họa khôn lường là việc lây lan, làm bùng phát các loại dịch bệnh. Theo GS Đặng Huy Huỳnh- Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, mèo bẩn được nhập khẩu về, sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh dại, do virus lyssa có rất nhiều trong nước bọt của thú mang bệnh dại.
Một nguy cơ khác, khi ăn phải mèo bẩn là có thể bị nhiễm giun đũa chó hoặc nhiễm một loại trùng bào tử sống ở ruột mèo. Thông thường, giun đũa hoặc trứng giun đũa hiện diện trong phân chó, dính trên lông. Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở não, ở gan và các cơ quan nội tạng…
GS-TS Lê Đăng Hà - nguyên Viện trưởng Viện Nhiệt đới T.Ư: Chó, mèo chính là nguồn lây nhiều bệnh giun sán và các bệnh nguy hiểm khác cho người. Chó, mèo thả rông, nhập lậu không được tiêm phòng, không được vệ sinh nên nguy cơ lây nhiễm bệnh càng lớn. Riêng mèo còn có bệnh móng mèo (bệnh hạch lành tính), vius lây qua các vết cào của mèo, khiến người bệnh bị nổi hạch toàn thân, sốt nhẹ, mỏi mệt. Riêng ký sinh trùng gây bệnh Toxoplasma từ mèo còn tạo các ổ kén gây bệnh ở hạch, viêm võng mạc mắt, ổ kén trong cơ tim gây hoại tử tim, kén ở phổi, ở hệ thần kinh trung ương.
Ngoài ra còn có bệnh hắc lào, bệnh giun sán, vi khuẩn gây thương hàn, ỉa chảy, bệnh tụ cầu vàng gây viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết có thể gây tử vong... Những virus hoặc trứng giun sán chó, mèo sống trong phân, trong máu, nước dãi, có thể dính qua lông, da, lây nhiễm vào thịt trong quá trình chế biến. Người mổ thịt và chế biến thịt mèo có thể bị nhiễm bệnh qua tiếp xúc, qua các vết xước trên da. Còn người dân nếu ăn thịt mèo bị bệnh chế biến chưa kỹ, ăn tiết canh mèo bệnh thì đều có thể nhiễm bệnh. Mèo nhập lậu, mèo thả rông thì càng khó kiểm soát được bệnh tật. Không ai mang mèo đi khám bệnh rồi mới thịt cả.
(Theo Dân Việt)