Tình nghĩa anh em ruột trong vụ án này khiến người ta phảng phất nhớ tới câu chuyện cổ tích “Cây khế” từ ngày xửa ngày xưa. Cũng có một người anh trai tham lam và một người em nhẫn nhịn, chỉ thay cho cây khế năm xưa là một vườn điều bây giờ đến mùa thu hoạch, và kết quả của vụ án thời hiện đại lại bi thảm hơn, khi cả hai còn chưa kịp biết tới cuộc sống dư dả thì huynh đệ đã tương tàn.
|
Phó Công an xã trao đổi về vụ án |
Theo Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước, vào lúc 15h ngày 16/2/2013, anh Phạm Công Chuân (SN 1986) đến chòi rẫy của người em ruột Phạm Công Chuẩn (SN 1988) tại thôn Bù Nga (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) với thái độ tức giận và liên tục buông lời chửi mắng thậm tệ. Do đã có xích mích từ trước nên cuộc cãi vã quyết liệt diễn ra ngay sau đó. Người anh bực tức ném thẳng chiếc điện thoại về phía người em, sau đó cả hai lao vào nhau quyết một trận “ăn thua”. Sự việc tưởng đã kết thúc sau khi mọi người đến can ngăn và ai về nhà nấy.
Nhưng khoảng hai tiếng đồng hồ sau, người em lại sang chòi rẫy của người anh ở gần đó để “hỏi chuyện”, khi đi đem theo một cây gậy gỗ. Vừa trông thấy anh trai, Chuẩn lao tới vung gậy đánh tới tấp. Mọi người có mặt vừa bất ngờ vừa hoảng sợ, không ai dám vào can. Người anh bị đánh đến thâm tím mặt mày, cố tránh né rồi vùng bỏ chạy khỏi chòi nhưng vẫn bị em trai tiếp tục rượt đuổi theo. Người anh tóm được con dao rựa sắc liền quay lại “nghênh chiến”.
Hai anh em người vung dao, người vung gậy trong lúc trời nhá nhem tối, kết quả người em đổ gục xuống sau khi trúng một vết chém ở bả vai. Mặc dù ngay lập tức được sơ cứu và chuyển đi bệnh viện nhưng vết thương gây đứt động mạch chủ, máu ra nhiều nên người em đã tử vong. Người anh trai liền sau đó đã bị bắt giữ.
Trọng án xảy ra gây xôn xao dư luận vùng quê vốn yên ả, thanh bình. Một ông lão hàng xóm thở dài: “Gia đình nghèo khổ hai anh em nó phải tha phương cầu thực để kiếm sống. Nào ngờ chỉ vì một xích mích nhỏ mà hai đứa chẳng thèm nhìn mặt nhau để rồi huynh đệ tương tàn, anh em sát hại nhau. Chỉ tội cho cha mẹ chúng nó, chỉ trông vào hai đứa con là chỗ dựa lúc cuối đời, giờ đây đứa chết, đứa vào tù”.
Gia đình hai anh em Phạm Công Chuân và Phạm Công Chuẩn quê gốc ở huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định). Cha mẹ đều là những nông dân nghèo, lại đều mắc bệnh câm điếc. Họ nên vợ chồng từ sự đồng cảm số phận, có với nhau 3 người con, một người con gái đầu lòng và hai cậu con trai. Cả gia đình tá túc trong một túp lều chơ vơ nằm giữa “đồng không mông quạnh”.
Cuộc sống khổ cực chỉ trông chờ vào những vụ lúa thu hoạch bấp bênh trên vài sào ruộng của gia đình. Ba người con cũng chỉ học hết tiểu học phải nghỉ giữa chừng đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Dù nghèo nhưng những người trong gia đình rất hòa thuận, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Người con gái lớn đã lấy chồng, chỉ còn hai anh em trai ở với cha mẹ già yếu, lo gánh vác công lớn việc nhỏ trong nhà.
|
Vườn điều trĩu quả là manh mối khiến cho huynh đệ tương tàn |
Cuộc sống ăn bữa nay lo bữa mai, đói khát thường xuyên đe dọa. Cứ sống ở quê thì suốt đời quay quắt với nghèo đói, nghĩ vậy nên cách đây hơn 10 năm, hai anh em quyết định vào Bình Phước lập nghiệp.
Họ đến xã Bù Gia Mập, nơi có nhiều người đồng hương sinh sống để tìm kiếm việc làm, ban đầu làm thuê trong lô cao su cho một hộ tư nhân trong vùng. Không nề hà gian khổ, hai anh em làm đủ mọi việc từ ươm, trồng đến cạo mủ cao su, dọn rẫy, xịt thuốc cỏ…
Suốt bảy năm ròng lao động quần quật vừa kiếm sống vừa dành dụm gửi tiền về cho cha mẹ trang trải cuộc sống, hai anh em cũng tích cóp được một số vốn chung để làm ăn. Sau đó hai người vay mượn thêm để thầu 6 ha điều của một hộ dân trong vùng với giá 9 triệu đồng/năm và không quản ngày đêm chăm sóc vun trồng. Vườn điều ngày một tốt tươi, những tia hi vọng về cuộc sống ấm no bắt đầu lóe lên trong cuộc đời hai chàng trai nghèo khổ.
Một người dân cho biết: “Hai anh em rất yêu thương nhau và rất cần cù chăm chỉ. Nếu anh dọn vườn thì em đi làm mướn để lấy tiền lo bữa ăn, nếu em chăm sóc vườn thì anh đi làm sơn nước kiếm tiền. Dân ở đây ai cũng quý mến và thương yêu hai anh em nhà ấy. Tuổi đời còn trẻ nhưng có chí phấn đấu”.
Niềm vui nhân lên khi hai vụ điều liên tiếp cho quả nhiều và được giá cao. Năm 2011, làm ăn dư dả được một khoản tiền gần 100 triệu, người anh mang về sửa sang lại ngôi nhà rồi cưới vợ ở ngoài quê. Số tiền còn lại, anh mua thêm một chiếc xe gắn máy gần 30 triệu lấy phương tiện đi lại. Chính điều này lại là nguyên nhân nảy sinh bất hòa, bởi người em cho rằng tiền là của chung, nhưng người anh lại ôm khư khư sử dụng vào việc riêng, như vậy là không công bằng. Trong lúc đó, nợ nần từ việc vay lãi ngoài vẫn chưa trả hết khiến người em tỏ ra bức xúc. Không may là vụ điều năm sau lại mất mùa, số tiền thu được không đủ để trả lãi suất vay khiến khoản nợ thêm chồng chất.
Sau ngày cưới, người anh trở vào Bình Phước, giữa hai người liên tục xảy ra cãi lộn. Phần vì đã có gia đình, lại thấy khó tiếp tục chung sống hòa thuận nên người anh tách ra ở riêng. Người anh thuê một vườn điều khác cách đó không xa để sản xuất nhưng họ chưa phân chia tài sản chung trước đó.
Nghĩ anh trai đã có gia đình nên người em chấp nhận làm lụng để trả số nợ. Vụ điều kế tiếp lại mất trắng đẩy người em vào nguy cơ vỡ nợ. Rồi những trận ốm triền miên khiến người em nhiều phen rơi vào cảnh khốn đốn, cùng quẫn và không ít lần trách anh trai vô tình, để mặc em một mình xoay sở khó khăn. May sao, vụ thu hoạch năm 2013 này hứa hẹn sẽ bội thu. Vì không thống nhất việc chia tài sản nên người em nghĩ mình đã đứng ra trả nợ, nên sẽ được thu hoạch toàn bộ số điều sắp tới trên mảnh vườn mình vun trồng. Nhưng người anh không đồng ý lại muốn chia đôi.
Vụ thu hoạch càng đến gần thì tần suất những cuộc cãi lộn, xô xát giữa hai anh em ngày càng tăng. Điều oái oăm là trong khi vườn điều người em đang chăm sóc mùa này rất sai quả, thì vườn của người anh lại ra rất ít trái. Đã thế người anh lại đưa nhiều người thân từ quê vào chờ thu hoạch. Người anh càng muốn chia đôi kết quả của mảnh vườn mà người em đang chăm bón thì càng vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía em trai, khăng khăng cho rằng “anh không có công chăm bón thì không được thu hoạch”. Cuối cùng mới xảy ra chuyện hai anh em dao gậy “tương tàn” trong lúc không kìm nén được lửa giận.
Ông Phan Hữu Cường, Phó công an xã Bù Gia Mập cho biết: “Hai anh em họ cư trú trên địa bàn đã được 10 năm nay và rất tuân thủ pháp luật, chưa hề có hành vi sai phạm nào khiến chính quyền phải nhắc nhở. Trước đây hai anh em rất hòa thuận, chỉ xảy ra va chạm xích mích trong thời gian một năm trở lại đây. Sau khi vụ án xảy ra những người thân đã đưa xác nạn nhân về quê chôn cất. Ai cũng thương xót nạn nhân và tiếc nuối tình cảm anh em gắn bó một thời. Vụ án là bài học đắt giá về cách ứng xử, sự nhường nhịn, yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống của những người thân trong một gia đình.”.
Hoàng Anh Tuấn