R10 Vô Địch Thiên Hạ
Join Date: Nov 2007
Location: LCN
Posts: 55,869
Thanks: 40
Thanked 564 Times in 514 Posts
Mentioned: 2 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 74
|
Đại gia Việt bỏ tiền tỷ săn lùng đồ ngà voi
Không như nhiều đại gia khoái chơi đồ hồn xưa xác cũ với gốm cổ, tiền xưa, đại thụ trăm năm… hay những món đồ ngự dụng từng được vua chúa của 2 triều đại cuối cùng là Lê, Nguyễn sử dụng, ông Lê, 54 tuổi, chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ gỗ dân dụng, chỉ khoái chơi ngà voi.
Trong nhà ông, nhìn đâu cũng thấy đồ ngà. Ông Lê giải thích, ngà voi là mặt hàng quý tộc quý hiếm không thể thiếu được trong đời sống thường ngày ở chốn cung đình hay tại tư dinh của các quan lại thuở trước. Có thời điểm ngà voi còn quý hơn cả vàng.
Bởi vàng ai cũng có thể mua được chứ riêng ngà voi, có tiền chưa chắc có được. Và cũng vì ngà voi quá quý hiếm nên các triều vua đầu đời Nguyễn đã ra định lệ tiến cống cho các nước chư hầu.
Để tỏ rõ mình nói có sách mách có chứng, ông Lê cho khách xem một số văn bản cổ được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép. Theo đó, hai vị vua đầu đời Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng buộc các nước lân bang được mình bảo hộ phải tiến cống ngà voi.
| Cận cảnh màn giao dịch ngà voi trái phép giữa đời thực | Nếu như ông Lê khoái chơi đồ ngà vì "nó sang, biểu trưng cho người quân tử" thì ông Khang, ngoài 50 tuổi, bạn làm ăn với ông Lê, lại có quan điểm "đó là thú chơi đẳng cấp vượt trên mọi đẳng cấp". Ông Khang bày tỏ ái ngại cho mấy tay chơi đồ sành sứ hay trang sức bằng các chất liệu như đá, đồng, bạc, vàng… vì "thấy hơi tầm thường”.
"Đã có quá nhiều người vì mê chén Khang Hy, bình Càn Long, tô Gia Long, lọ hoa Tự Đức... mà bị bọn gian thuốc thê thảm khi bán cho món đồ giả cổ với giá hàng trăm triệu đồng, có khi cả tỉ bạc. Còn cái vụ chơi đồ trang sức cổ này nọ, tui hổng dám đụng tới bởi 100% những món đồ đó đều có nguồn gốc từ các phi vụ banh bới, quật đào cổ mộ của phường săn", ông Khang nói.
Hai tay chơi này khoái ngà voi bởi ít bị đụng hàng, ít người chơi, phần vì giá đắt, phần vì chẳng mấy ai am tường. "Thú vui gì mà được liệt vào dạng phổ thông, nhiều người chơi, lắm người biết, ai chơi cũng được thì đâu còn vui thú nữa. Chơi đồ ngà khác biệt với tất cả vì không lo bị đụng hàng. Đẳng cấp là ở chỗ đó!", ông Lê tự hào.
Dân chơi đồ ngà có nhiều hạng, kẻ khoái bởi cặp ngà của loài thú khổng lồ là biểu trưng cho quyền lực và sức mạnh tột đỉnh. Lại có người chơi đồ ngà vì tầm nhìn xa trông rộng, như ông Khánh, 52 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM.
"Voi rồi cũng như tê giác, sớm muộn gì cũng tuyệt chủng. Đến khi đó thì chắc chắn cặp ngà uy dũng của nó sẽ làm trùm trên mọi mặt trận. Trùm ở đây là giá cả, sự quý hiếm này nọ. Chơi cái gì thì sợ bị lỗ, bị lừa chứ với ngà voi thì chỉ có vừa sang vừa lợi", ông nói.
Rất xởi lởi, ông Khánh đưa khách vào thư phòng bí mật, nơi có đến hơn 100 món đồ bằng ngà voi, nào là tẩu hút thuốc, ly, đũa, ống đựng bút, dao kiếm có chuôi bằng ngà... Mời khách ngồi trên chiếc bàn cổ khảm xà cừ tuyệt đẹp mua với giá gần 800 triệu đồng, ông Khánh chỉ vào bộ cờ màu mỡ gà lên nước bóng loáng bật mí cả thảy đều có chất liệu ngà voi.
Không tiết lộ giá cả, ông chỉ chia sẻ bộ cờ là của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, nhưng thực hư thì chưa được kiểm chứng.
Bộ sưu tập của ông Lê còn khủng hơn. Không chỉ sở hữu hàng trăm món đồ xinh xinh như của ông Khánh mà còn la liệt cặp ngà khổng lồ. Có cặp ngà nguyên khối cao quá đầu người, có cặp cũng cỡ ấy được chạm khắc tinh xảo tích Phật Thích Ca nhập Niết bàn, cảnh Tam quốc diễn nghĩa, hay cảnh long tranh hổ đấu… Còn những dao, kiếm chuôi ngà, bình hoa bằng ngà, ly tách ngà voi thì nhiều vô kể.
"Nói thiệt dân chơi đồ ngà có nhiều cấp độ, nhưng nhìn chung phân thành hai nhóm. Dạng tép riu thì chơi mấy món lặt vặt, còn cơ dữ thì phải có hàng nguyên khối. Hàng này có đủ nguồn gốc, trong nước cũng có, nước ngoài cũng có", ông Lê giải thích.
| Hàng quý tộc từ ngà voi chẳng rõ thật giả được rao bán tràn lan trên mạng | Giá thị trường chợ đen mỗi ký lô ngà voi khoảng 3.000 USD. Tuy nhiên, ông Lê khẳng định đó chỉ là giá sàn và sẽ tăng gấp 2, gấp 3, có khi còn hơn thế nữa nếu trọng lượng của ngà voi trên 50 kg trở lên. Với những món đồ ngà lâu năm tuổi, giá trị không phải ở trọng lượng, kích cỡ mà tùy thuộc vào độ tuổi, kiểu dáng, nguồn gốc.
"Nói chung giá cả của ngà voi có muôn hình vạn trạng nhưng chắc chắn một điều là không rẻ. Tôi từng chứng kiến những màn giao dịch một cặp ngà voi hội đủ các yếu tố kích cỡ, trọng lượng, chất lượng, mỹ thuật lên đến gần 500.000 USD mà quy ra thời giá hiện nay tương đương 10 tỷ đồng", ông Khánh bật mí.
Theo các tay chơi, vì ngà voi là mặt hàng quý tộc đang được nhiều dân chơi dòm ngó nên giá trị leo thang từng ngày, nhất là khi loài mãnh thú khổng lồ nhất rừng xanh này đang ngày càng bị tận diệt thảm hại, cả nước chỉ còn chưa đến 200 con (cả voi rừng lẫn voi nhà) và con số này ngày càng giảm.
Cũng vì lẽ đó mà ngà voi được liệt vào nhóm "hàng quốc cấm", mọi hành vi mua bán nếu không chứng thực nguồn gốc hợp pháp sẽ bị khép vào tội hình sự.
Đơn cử mới đây nhất của nạn bán buôn đồ ngà bị cơ quan chức năng "điểm huyệt" là vụ Nguyễn Thế Mạnh Vinh (ngụ Hà Nội) bị VKSND Tối cao ngày 10/4 phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam phục vụ điều tra về hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
Nhiều kẻ ma mãnh đã rao bán và "gả" cho nhiều tay chơi lơ tơ mơ những món đồ bằng ngà voi dỏm với giá tiền thật. Anh Lê Mạnh, tình nguyện viên của một tổ chức phi chính phủ chuyên cứu hộ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao, cho biết ngà voi dỏm ngày càng được chế tạo rất tinh xảo bằng bột đá hoặc nhựa tổng hợp.
Nếu trước đây để thử thứ ngà giả này người ta đốt lửa, nếu cháy là đồ giả. Nhưng nay nếu áp dụng biện pháp này vẫn bị lừa bởi kỹ nghệ chế tác đồ ngà giả của kẻ gian giờ "siêu hạng lắm".
Theo anh Mạnh, thực tế kẻ gian rao bán đồ mỹ nghệ bằng ngà voi tràn lan trên mạng Internet. Nhưng 10 kẻ rao bán ngà voi thì có hơn 9 người bán đồ tầm bậy. "Nếu là đồ giả thì người mua sẽ mất tiền oan. Ngược lại nếu đó là ngà voi thật thì dầu muốn hay không họ đã vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã vì giao dịch hàng quốc cấm", anh Mạnh khẳng định.
Theo CAND
|