- Trong các trường hợp đẻ rơi, nếu không biết cách sơ cứu em bé có thể bị mất máu, nhiễm trùng, ngạt gây nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Vũ Tề Đăng, Phó Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã cảnh báo như trên.
Có thể chuyển dạ - đẻ rơi bất cứ lúc nào
Trường hợp bé gái sinh rớt trên taxi vào ngày 2/5 vừa qua, con của sản phụ Nguyễn Thị Vân (ngụ tại Bình Dương) là một ca may mắn.
Mẹ của bé dự sinh ngày 11/5, đang trên đường từ Bình Dương lên TP.HCM đi đẻ thì chuyển dạ luôn trên taxi.
Hai mẹ con sản phụ hiện đang được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ.
Đẻ rơi em bé phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Ảnh: Thanh Huyền
Do em bé chưa được sơ cứu đúng cách nên mất máu nhiều, gây thiếu máu. Ngoài ra bé còn bị nhiễm trùng.
Hiện các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM điều trị bằng cách truyền máu và cho em bé dùng kháng sinh.
Dù bé đang bị vàng da sớm nhưng tình trạng sức khỏe đã tạm ổn, không tới nỗi nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Đăng cho biết đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận trường hợp đẻ rơi.
Trước ca của mẹ con sản phụ Vân, Bệnh viện Từ Dũ đã cứu sống một em bé nặng có 1 kg, người Philippine. Em bé này ra đời trên máy bay.
Bác sĩ Đăng cảnh báo các thai phụ không nên đi đâu xa trong hai tuần cuối cùng trước ngày dự sinh.
Trong hai tuần này, thai phụ và gia đình lúc nào cũng phải trong trạng thái sẵn sàng “ứng chiến” để việc sanh nở không bị động.
Ở Bệnh viện Từ Dũ chưa ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh đẻ rơi tử vong, tuy nhiên tại các bệnh viện tuyến dưới xảy ra rất nhiều.
Bác sĩ Đăng từng biết một em bé bị tử vong ở bệnh viện tỉnh do bà mẹ đẻ rơi ở nhà rồi tự lấy mảnh chai cắt dây rốn cho con. Kết quả bé đã bị nhiễm trùng, uốn ván.
Đẻ rơi, em bé có nguy cơ tử vong cao
Chuyện đẻ rơi tưởng chừng như hy hữu nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở ngay tại TP.HCM và nhiều hơn ở vùng nông thôn, miền núi.
Qua đó, bác sĩ Đăng cho rằng, các thai phụ và người thân trong gia đình cần nắm được kiến thức cơ bản để sơ cứu cho em bé trong tình trạng bị đẻ rơi.
Sản phụ chuyển dạ trên taxi, ở nhà, máy bay, tàu hỏa, ngoài đồng…do không phải môi trường vô trùng nên hai mẹ con đối diện với rất nhiều nguy cơ.
Trước tiên, nếu em bé ra đời khi chưa kịp tới bệnh viện, người thân phải lấy một chiếc khăn sạch quấn bé lại.
Tiếp đến, ta phải nhanh chóng tìm một cọng dây cột dây rốn của bé để tránh cho bé khỏi mất máu.
Tuyệt đối không tự cắt dây rốn cho bé bằng các vật dụng sẵn có. Dao, lưỡi lam, kéo vì có thể gây nhiễm trùng cho bé bởi chúng chưa được khử trùng. Ngay sau khi cột dây rốn, bà mẹ và em bé phải được đưa tới cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế sơ cứu, vệ sinh sạch rồi mới tiếp tục đưa lên bệnh viện tuyến trên.
Người thân không nên ráng đưa hai mẹ con sản phụ tới một bệnh viện quá xa trong tình trạng như vậy.
Về phần thai phụ, khi thấy mình có dấu hiệu sắp sanh nên vào bệnh viện có khoa sản gần nhất để cấp cứu. Tại đó, các bác sĩ sẽ quyết định có nên chuyển sản phụ lên tuyến trên hay không.
Nếu sản phụ và gia đình cứ quan niệm bằng mọi giá phải tới Bệnh viện Từ Dũ sẽ có nguy cơ đẻ rơi. Khi đẻ rơi không biết cách xử trí em bé rất dễ bị ngạt.
Trẻ em bị ngạt khi sinh não thiếu oxy, nặng thì tử vong, nhẹ khi lớn lên cũng chậm phát triển tâm thần vận động, hoặc bại não.
Thanh Huyền