Các chuyên gia của Dự án EU đưa ra con số 10 triệu USD cho kế hoạch quảng bá Du lịch Việt thời gian tới, thu hút nhiều tranh luận nhất của các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch tại hội nghị 30/5.
|
Đà Nẵng, một trong những địa phương năng động hút khách quốc tế. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Một vốn mười lời?
Hội nghị do Tổng Cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) tổ chức, xoay quanh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được dư luận quan tâm thời gian qua. Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch (TCDL): “Xúc tiến quảng bá được triển khai chưa thường xuyên liên tục, quy mô nhỏ bé, hiệu ứng tiếp thị dừng ở mức độ nhất định.
Những năm gần đây, kinh phí hàng năm mới đạt mức 30-40 tỷ đồng (1,5 triệu USD). Kinh phí hạn hẹp đã hạn chế tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả. Chưa kể khoản tiền này còn bị phân tán và triển khai đồng loạt nhiều nhiệm vụ khác”.
So với các nước trong khu vực, kinh phí quảng bá du lịch của Việt Nam không thấm vào đâu: Thái Lan 100 triệu USD/năm, Malaysia 110 triệu USD.
Nhóm chuyên gia của Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và xã hội do EU tài trợ, đã trình bày Chiến lược Marketing Du lịch Việt Nam tới 2020 và Kế hoạch hành động 2013-2015.
Dự án EU tài trợ nêu rõ, nếu chiến lược marketing này được hỗ trợ tài chính và thực hiện hoàn chỉnh, sẽ giúp tăng thêm 2,2 triệu lượt khách, đạt mức 8,2 triệu lượt khách năm 2016. Trong 10 năm tới, hi vọng Việt Nam là một trong những điểm đến trọng điểm trong khu vực. Với mức đầu tư trọng điểm lên 7 triệu USD trong năm 2016, Chính phủ sẽ tạo thêm 253 triệu USD từ chi tiêu của khách du lịch quốc tế-con số tính toán dựa trên mức chi tiêu bình quân 115 USD/ngày.
Không nên trông chờ
Bản đề xuất chi tiết, công phu của các chuyên gia Dự án EU dày hơn 300 trang bao gồm cả phần chiến lược lẫn kế hoạch hành động, nhưng không nhiều đại diện của doanh nghiệp, Sở VHTT&DL tin rằng có thể thực hiện. Ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN nói, xúc tiến du lịch nên cụ thể, ngay việc kết hợp với các ngành biểu diễn trong các tổ chức tua cho khách cũng chưa được chú ý.
Có đại biểu thẳng thắn phản bác: 10 triệu USD là chi phí khổng lồ. Sao không yêu cầu chuyên gia đưa con số phù hợp? Đại diện một công ty chuyên đưa khách từ Nhật sang cho rằng, dự án này khó khả thi, bởi xã hội hóa chỉ có thể thực hiện được nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, chứ tình cảnh ngắc ngoải như hiện nay sẽ rất khó.
Tổng cục trưởng TCDL vẫn đánh giá cao phương pháp luận của chuyên gia quốc tế. Năm 2013, ngành du lịch còn phải chờ Chính phủ duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2020, nên chưa thể chủ động kinh phí. Tuy vậy, nếu Chính phủ phê duyệt đề xuất cứ một khách du lịch đầu tư lại cho ngành 1 USD, thì đến năm 2016 có gần 10 triệu USD, đủ thực hiện chiến lược marketing này. Thực tế, chính sách cắt giảm chi tiêu công tác động không nhỏ tới ngân sách chi cho ngành du lịch, dự báo giảm hơn con số 30 tỷ đồng.
Trước khó khăn này, lãnh đạo TCDL, nhiều Sở VHTT&DL nói đến xã hội hóa quảng bá, xúc tiến du lịch. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc TT Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh xúc tiến du lịch thực tế ở Đà Nẵng: Cuộc thi pháo hoa quốc tế, Trình diễn dù bay quốc tế, Hoa hậu Việt Nam 2012, Trại điêu khắc đá quốc tế 2013, Cuộc đua Marathon quốc tế 2013. Chia sẻ bên lề, ông Bình cho biết ngân sách Đà Nẵng chi cho xúc tiến du lịch chỉ khoảng 700-800 triệu đồng, nhưng Sở và Trung tâm nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Sắp tới, Đà Nẵng có thêm nhiều đường bay thẳng từ một số thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, HongKong, Nhật Bản đến thành phố đáng sống này, cùng với chiến lược nâng cao sản phẩm du lịch giúp tăng lượng khách quốc tế.
Đại sứ Du lịch không phải chân dài
“Cái cần thiết để quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài là phải có một đơn vị tại nơi khách sinh sống. Do đó nếu có một văn phòng đại diện ở nơi mình muốn thu hút khách, thì người ở văn phòng đại diện phải có trình độ tiếp thị tốt, am hiểu thị trường, du lịch Việt Nam. Người đó mới thực sự là đại sứ du lịch, chứ không phải mấy cô chân dài”, ông Nguyễn Văn Trấn, TGĐ Cty APEX nói.
TP