Thiếu sự nghiên cứu trước nên các xe quét, hút rác hiện đại được nhập về không thể sử dụng vì không phù hợp với đường sá ở TP HCM, đành chuyển thành xe... ép rác hoặc “trùm mền”
|
Một trong những xe quét, hút bụi được chuyển đổi công năng thành xe ép rác Ảnh: SỸ ĐÔNG. |
Sáu xe quét, hút rác hiện đại hiệu Kanglim được nhập từ Hàn Quốc với giá gần 11 tỉ đồng vào tháng 4-2005, nằm trong dự án tăng cường năng lực và hiện đại hóa trang thiết bị thu gom rác theo chủ trương của UBND TP HCM. Thế nhưng đến nay chỉ 1 xe hoạt động cầm chừng, còn lại được chuyển công năng thành xe ép rác vì không phù hợp với đường sá ở TP HCM.
Hao tốn gấp 10 lần công nhân vệ sinh
Khi nhập về, 6 xe này do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (Công ty MTĐT) quản lý nhưng phải "trùm mền" do không có đường để quét. Nguyên nhân do việc quét rác ở các tuyến đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố lại thuộc các công ty dịch vụ công ích quận, huyện nên 6 xe nhập khẩu hiện đại này không có đất dụng võ.
Để không lãng phí, UBND TP đã chuyển giao 3 xe về công ty dịch vụ công ích (DVCI) các quận 1, 3 và Tân Bình; 1 xe giao cho Công ty TNHH MTV Công trình giao thông; 2 xe còn lại do Công ty MTĐT quản lý.
Sau khi chuyển giao, các xe này hoạt động không được bao lâu lại tiếp tục... "trùm mền" do tính năng của xe không phù hợp với đường sá Việt Nam. Một cán bộ của Công ty DVCI quận Tân Bình cho biết: Đường sá ở các nước ít bụi và rác, còn ở TP HCM cát bụi quá nhiều, chưa kể sỏi, đá, rác trái dừa, bao ni lông nằm rải rác. Muốn xe hoạt động hiệu quả thì phải có 2 công nhân đi trước lượm hết đá, sỏi, rác thì mới quét, hút được; còn không thì bụi tung mù mịt, người dân phản ứng. Chưa kể, do cát, bụi quá nhiều nên quét, hút một lần đường không sạch, phải quay lại lần nữa, rất tốn nhiên liệu, nhân công. Chưa hết, xe được thiết kế để quét, hút vỉa hè nhưng vỉa hè ở TP HCM lại không đồng bộ, thường bị chiếm dụng nên khó hoạt động.
Ngoài ra, chổi quét dùng cho xe nếu ngày nào cũng sử dụng thì 1-2 tuần phải thay, giá 1 cây chổi nhập từ Hàn Quốc trung bình trên 500 USD, trong khi hầu hết các công ty DVCI mỗi năm được giao kinh phí có hạn nên không dám cho xe hoạt động. Tính ra chi phí cho hoạt động của xe nhập gấp 10 lần so với sử dụng công nhân.
Chuyển công năng
Tại Công ty DVCI quận Tân Bình, xe vận hành được 6 tháng thì hụt kinh phí, phải xin kinh phí của Sở Tài chính nhưng vẫn không chịu nổi nên đành "trùm mền" nhiều năm. Cách đây 3 năm, công ty nhín một phần vốn được rót xuống để chuyển công năng xe quét, hút rác thành xe ép rác để không lãng phí. Tương tự, Công ty DVCI quận 3 cũng đã chuyển công năng chiếc xe được giao.
Tại Công ty DVCI quận 1, một cán bộ của công ty này cho biết "xe hoạt động cầm chừng được một thời gian thì ngưng hoạt động, 2 năm nay nằm ở xưởng, chưa biết sắp tới sẽ bán hay chuyển công năng thành xe ép rác". Theo cán bộ này, nếu có kinh phí, xe hoạt động sẽ giúp đường, vỉa hè sạch hơn so với công nhân quét thủ công. Tuy nhiên hiện nay, các đơn vị đang thực hiện chủ trương tiết kiệm theo Nghị quyết 11 của thành phố nên các Công ty DVCI phải cắt giảm 10%-15% kinh phí, do đó khả năng cho xe vận hành trở lại là không thể.
Riêng 2 xe của Công ty MTĐT đã được chuyển đổi công năng thành xe ép rác từ năm 2012. Trước đó, xe hoạt động trên tuyến đường Trường Chinh (quận Tân Bình), mỗi lần quét bụi tung mù mịt khiến người dân phản ứng. Do hiệu quả không cao lại thiếu kinh phí hoạt động nên đơn vị này chỉ cho xe hoạt động cầm chừng.
Đến tháng 4-2012, khi TP chuyển giao việc vớt rác trên sông về lại cho Công ty MTĐT thì 2 xe trên được cải tạo thành xe ép rác và hoạt động cho đến nay. Một xe còn lại được giao cho Công ty TNHH MTV Công trình giao thông thực hiện quét, hút bụi tại các công trình cầu, đường hoặc cho các nhà thầu thuê làm vệ sinh tại các công trình.
LD