R10 Vô Địch Thiên Hạ
Join Date: Dec 2006
Posts: 88,250
Thanks: 11
Thanked 3,751 Times in 3,090 Posts
Mentioned: 5 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 8 Post(s)
Rep Power: 109
|
Mơ có một "Hoàn Châu cách cách" phiên bản Việt
Không thể phủ nhận những bước tiến của phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây. Số lượng phim nhiều, dài tập, đặc biệt đội ngũ diễn viên trẻ, đẹp. Sự đổ bộ của ca sĩ, người mẫu, "hot boy", "hot girl", MC… đã đem đến một diện mạo mới, tươi trẻ cho phim truyền hình. Sự trẻ trung, xinh đẹp của dàn diễn viên Việt không kém so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, sự tinh tế, tự nhiên, chân thực, sinh động, sáng tạo trong diễn xuất của một số "diễn viên tay ngang" còn hạn chế...
Bộ phim "Hoàn Châu cách cách" của Trung Quốc mới được phát sóng lại trên màn ảnh qua hệ thống truyền hình cáp. Một lần nữa, bộ phim tạo được những "rung chấn" trong lòng khán giả. Thế hệ những thanh niên 8x như tôi khi xem lại bộ phim vẫn háo hức, hồi hộp, xúc động hệt như cảm giác xem phim hơn 10 năm về trước. Dù hình ảnh không được sắc nét như công nghệ HD bây giờ, nhưng thực sự, "Hoàn Châu cách cách" vẫn khiến người xem phải ngồi trước màn hình, sống cùng niềm vui, nỗi buồn của mỗi nhân vật. Nhìn lại những bộ phim truyền hình Việt Nam đang lên sóng giờ vàng cùng thời điểm, tôi thầm ước, Việt Nam có được một phim truyền hình đủ sức hấp dẫn và lay động trái tim hàng triệu con người như thế…
Thị trường truyền hình sôi động, nhất là sự phong phú của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình như truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình vệ tinh… khiến khán giả ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với "menu" giải trí đặc sắc, trong đó có phim truyền hình. Khán giả Việt có thể thưởng thức những seri phim truyền hình đặc sắc nhất cùng thời điểm với khán giả trên khắp hành tinh. Cũng chính điều này làm cho nhu cầu giải trí, thị hiếu thẩm mỹ của con người ngày càng được nâng cao. Qua rồi thời làm phim "mì ăn liền", phim sitcom, Việt hóa fomart phim truyền hình nước ngoài. Trong dòng phim này có lẽ đáng chú ý nhất là "Cô gái xấu xí" và "Cầu vồng tình yêu". Dù vẫn còn sạn nhưng ít nhất chúng cũng đem đến cho người xem những giây phút giải trí. Sự thất bại của "Những người độc thân vui vẻ", "Ngôi nhà hạnh phúc", "Cô nàng bất đắc dĩ"… đã chứng minh rằng, "Việt hóa" phim truyền hình nước ngoài không phải là hướng đi lâu dài mà chỉ là một trào lưu nhất thời. Bên cạnh đó, cái bóng quá lớn từ sự thành công của phiên bản gốc là một trở ngại mà các hãng phim Việt khó có thể vượt qua. Thôi thì, ưu tiên "dùng hàng Việt" vậy. Tuy nhiên, cái khó của "hàng Việt" là thiếu những kịch bản hay và việc đầu tư để có được một kịch bản hay ngoài tài năng, tâm huyết, công sức cần có cả thời gian và tiền bạc.
Những bộ phim truyền hình trình chiếu trên khung giờ vàng của VTV thời gian gần đây không thực sự hấp dẫn chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với phim truyền hình ngoại. Giới thiệu rình rang nhưng rốt cuộc "Ba đám cưới, một đời chồng" (Đạo diễn: Khải Anh) ngoài cái tên phim gây tò mò thì nội dung mới chỉ ở mức độ "xem được". "Không thể gục ngã" (Đạo diễn NSƯT Bùi Cường) - bộ phim dài 33 tập được giới thiệu là quy tụ "dàn sao", cùng nhiều tình tiết hấp dẫn, mới kết thúc cách đây ít hôm không giữ được chân khán giả ở những tập cuối. "Tình yêu không hẹn trước" (Đạo diễn: Trọng Trinh, Bùi Tiến Huy) đang lên sóng giờ vàng trên VTV3 nhưng chưa thực sự hút người xem. Trên hệ thống truyền hình cáp Việt Nam có hẳn một kênh dành cho phim Việt - kênh Phim Việt. Bộ phim "Trăng khuyết" (Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà) được chiếu trên kênh này thời gian gần đây ít nhiều tạo được tiếng vang trong lòng công chúng. Dàn diễn viên trẻ đẹp, cùng tình tiết phim hấp dẫn (kể về chuyện tình tay ba của cô gái làm nghề biên kịch tên Nhã Uyên với Đăng Dương - giám đốc một công ty truyền thông và Tùng - bạn thân của Nhã Uyên, câu chuyện về những người mẹ đơn thân, tình bạn, tình yêu…) nhưng càng về cuối, phim càng trở nên lê thê, cách kể chuyện kém duyên, thậm chí là vô lý. Có lẽ, đây cũng là hạn chế chung của phim Việt. Cũng có những chi tiết "giả" đến vô lý. Cái kết của bộ phim "Trăng khuyết" là một ví dụ. Sau những hiểu lầm, nhân vật Tùng quyết định bỏ lên chùa làm từ thiện, dạy vẽ cho các em nhỏ. Một năm sau đó, nhân vật Nhã Uyên khi xác định được tình cảm của mình, quyết định sẽ lên chùa tìm Tùng và hai người tổ chức lễ cưới trên đó. Nhã Uyên mặc váy cô dâu, đội hoa, cùng toàn thể gia đình chạy lên chùa và một lễ cưới được tổ chức giữa khu đồi. Khung cảnh đó không tạo được sự lãng mạn mà làm người xem cảm thấy giả tạo, nói theo ngôn ngữ giới trẻ bây giờ là "hơi sến". Rất nhiều phim Việt xoay quanh đề tài về giới trẻ, những câu chuyện về tình yêu, tình bạn, sự nghiệp được đưa lên màn ảnh nhưng dường như những người trẻ không tìm thấy chính mình trong những bộ phim ấy. Phải chăng điều này cũng là nguyên nhân khiến phim Việt chưa được người trẻ đón nhận? VTV đang thiếu những bộ phim mang yếu tố mới, lạ như kiểu "Bỗng dưng muốn khóc" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng phát sóng vào năm 2008.
Không thể phủ nhận những bước tiến của phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây. Số lượng phim nhiều, dài tập, đặc biệt đội ngũ diễn viên trẻ, đẹp. Sự đổ bộ của ca sĩ, người mẫu, "hot boy", "hot girl", MC… đã đem đến một diện mạo mới, tươi trẻ cho phim truyền hình. Sự trẻ trung, xinh đẹp của dàn diễn viên Việt không kém so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, sự tinh tế, tự nhiên, chân thực, sinh động, sáng tạo trong diễn xuất của một số "diễn viên tay ngang" còn hạn chế. Một bộ phim truyền hình hay là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, nhưng theo tôi, cái thiếu nhất của phim Việt hiện nay chính là kịch bản. Làm sao có được những kịch bản hay, thoát khỏi cái bóng của lối tư duy cũ là trăn trở của nhiều người làm nghề.
Tôi mơ ước Việt Nam sẽ có một "Hoàn Châu cách cách" phiên bản Việt để nhiều năm sau khi xem lại bộ phim, tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm giác hồi hộp, được khóc, được cười cùng nhân vật…
CAND
|