Trong số hàng chục loại mắm xuất xứ Nam bộ, mắm thái chính là món dễ ăn nhất và hấp dẫn nhất.
Dễ vì cách ăn không cầu kỳ. Chỉ cần vài trăm gram mắm thái, một ít thịt ba rọi luộc và rau sống chuối chát là có thể ăn ngay được. Thường ngày thì dùng với cơm, thậm chí là một bát cơm nguội, hoặc bún. Khi vui thú bạn bè thì có một xấp bánh tráng cuốn chấm nước mắm tỏi ớt để đưa cay.
Mắm thái nổi tiếng nhất không ai không biết là mắm thái Châu Đốc của Bà Giáo Khoẻ, thương hiệu dễ đã hơn 100 năm. Tương tuyền từ những năm đầu thế kỷ 20, mắm thái từng được thi sĩ Tản Đà, lúc ghé thăm Châu Đốc, đã tấm tắc khen ngợi và đưa vào thi ca của ông. Còn tên gọi thì có lẽ theo cách chế biến. Con mắm cá lóc sau khi đã thấm, vừa ăn, người ta vớt ra, chặt đầu, lóc da xương, lấy thịt mắm thái nhỏ cỡ chiếc đũa, rồi ướp đường, bột ngọt, nước mắm nhỉ. Đu đủ hườm hườm xắt nhuyễn thành sợi, ngâm nước muối phơi một ngày cho dẻo rồi đem trộn đều. Nhận mắm vô khạp cùng với thính để độ một hai ba tuần là dùng được.
Một số người khẳng định rằng mắm thái có nguồn gốc là mắm ruột của lưu dân miền Trung từ miền Trung vào, một trong những đệ nhất mắm của dân Nam. Qua thời gian ở vùng đồng bằng trù phú tôm cá, món mắm ruột chuyển hoá mà thành. Vậy nên, bữa cơm với mắm thái theo kiểu truyền thống thì phải thêm cà pháo, cũng là do cái nhung nhớ trái cà dĩa Trung bộ.
Như Trần - Ảnh: Thanh Hảo