(GDVN) - Thời tiết thay đổi dễ làm phát sinh nhiều chứng ho: ho do dị ứng thời tiết, ho gió, ho do cảm lạnh, nhiễm lạnh, ho do viêm họng, viêm phế quản mãn tính….
1. Trị ho bằng mật ong
- Mật ong hấp quất còn nguyên vỏ xanh
Cách làm: Quất (3 - 4 quả), rửa sạch vỏ, để ráo nước, bổ đôi quả, bỏ hạt, thái lát mỏng, cho vào bát tô. Đổ mật ong ngập phần quất, trộn đều cho quất thấm đều mật ong. Sau đó đem hấp hoặc cho vào nồi đun cách thủy 10 - 15 phút, tới khi quất nhuyễn, quyện đều với mật ong thành một thứ dịch sánh như siro.
Để nguội, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 2 thìa café. Khi uống, có thể thêm một vài hạt muối. Không nuốt ngay, ngậm 5s trong miệng, để trôi từ từ qua cổ họng, giúp giảm viêm họng, giảm ngứa rát, khản tiếng…
Mật ong thường được sử dụng để chữa ho trong dân gian.
- Mật ong hấp lá hẹ
3 - 5 nhánh lá hẹ, rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, cho vào bát. Đổ mật ong ngập lá, trộn đều, đem hấp hoặc đun cách thủy cho tới nhuyễn. Cách sử dụng tương tự mật ong hấp quất.
- Mật ong hấp tỏi
4 - 5 nhánh tỏi, đập dập, trộn đều mật ong, đem hấp cách thủy, tới khi ngửi thấy mùi tỏi hăng hắc là được (Không cần để tỏi quá nhừ). Để nguội, uống 2 -3 lần/ngày, mỗi lần 1 - 2 thìa café. Mật ong khi hấp cùng với tỏi làm tăng tính kháng sinh tự nhiên, giảm viêm họng, tăng sức đề kháng.
Có thể làm tương tự cách trên với các nguyên liệu khác như: cánh hoa hồng, rễ chanh, lá húng chanh, quả phật thủ, hoa khế, hoa đu đủ đực, lá tía tô, hành hoa… Tùy theo những nguyên liệu có sẵn trong mỗi gia đình mà sử dụng để chế biến.
2. Trị ho bằng vỏ bưởi
Vỏ bưởi 10 gr, thêm đường kính, hấp uống dần dần.
Vỏ bưởi có tác dụng chữa ho.
3. Cây xương sông
Trị ho có đờm: Lấy 2-3 lá xương sông bánh tẻ, 5 thìa con mật ong. Lá xương sông rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát hấp cùng mật ong (để sôi chừng 10 phút). Sau đó để nguội rồi chắt nước cho trẻ uống.
4. Cây dâu tằm
Cây dâu tằm có tên khoa học là Morus alba albeae cho ta nhiều vị thuốc quý như tang bạch bì (vỏ rễ dâu đã cạo bỏ lớp vỏ ngoài, lấy phần xơ trắng), tang diệp (lá dâu bánh tẻ), tang chi(cành dâu), tang thầm (quả dâu chín đen), sâu dâu, nấm dâu, tang kí sinh (tầm gửi trên cây dâu) tang phiêu tiêu (tổ trứng bọ nhựa trên cây dâu).
Chữa ho lâu năm: 10g tang bạch bì, 10g vỏ rễ cây chanh khô, sắc uống mỗi ngày 1 thang đến khi khỏi.
Chữa ho ra máu: lấy tang bạch bì 600g cho vào nước vo gạo ngâm trong 3 đêm. Tước nhỏ, cho vào 250g gạo nếp sao vàng, tán nhỏ, trộn đều. Sử dụng 16g mỗi ngày chia đều làm 2 phần.
- Chữa ho có đàm ở trẻ nhỏ : Lấy tang bạch bì 4g sắc với nước cho trẻ uống.
5. Rau húng chanh
Rau húng chanh thường được gọi là rau thơm lông hay rau thơm lùn. Rau húng chanh có lượng tinh dầu tự nhiên quý và mùi thơm dễ chịu như mùi của quả chanh. Loại tinh dầu này là một loại kháng sinh với nhiều loại vi khuẩn, tác dụng chữa bệnh của lá húng chanh chính la nhờ lượng tinh dầu này. Vì vậy, lá húng chanh có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian để điều trị cảm cúm, ho, viêm họng và khản tiếng.
Lá húng chanh có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian để điều trị cảm cúm, ho,..
Bạn có thể lấy từ 7-9 lá húng chanh tươi, đem rửa sạch và ngâm với nước muối loãng để khử trùng. Vớt lá húng chanh ra, vẩy sạch nước hoặc để ráo, nhai kỹ, ngậm trong miệng rồi nuốt nước dần.
6. Cải cúc
Rau tần ô – Cải cúc, Cải tần ô, Rau cúc, Rau tần ô. Để chữa ho, bạn có thể lấy khoảng 6g lá cải cúc cắt nhỏ, cho vào bát, hấp cùng một ít đường trong nồi cơm để nước tiết ra. Nước cải cúc hấp được chia thành nhiều lần và cho trẻ uống trong ngày. Người ho lâu ngày nên ăn nhiều canh cải cúc để có thể bớt ho.
Cháo giải cảm: Lấy 200g rau cải cúc tươi, rửa sạch, làm ráo nước, cắt nhỏ; Vo sạch 100g gạo tẻ cho vào nồi, cho thêm vào 1 lít nước rồi đun cháo nhừ, cho rau cải vào, thêm gia vị, ăn nóng.
Ho do lạnh ở trẻ em: bạn dùng khoảng 6g cải cúc rửa sạch, cắt nhỏ, thêm ít mật ong hấp cách thủy cho ra nước để uống trong ngày, uống liên tục trong 3 – 5 ngày.
7. Cải củ
Cải củ hay còn gọi là rau lú bú có tên khoa học là Raphanus sativus là loại cây thảo sống hằng năm, được trồng khắp nơi ở nước ta có rễ củ trắng, có vị nồng cay, dài khoảng 40 cm dạng trụ tròn dài, chuỳ tròn hay cầu tròn. Củ cải có vị ngọt, hơi cay, đắng, tính bình, không độc, có tác dụng làm long đờm, trừ viêm, tiêu tích, lợi tiểu, tiêu ứ huyết, tán phong tà, trừ lỵ, củ khô cũng làm long đờm. Hạt củ cải có vị cay ngọt, mùi thơm, tính bình; có tác dụng tiêu đờm, trừ hen suyễn,thông khí, lợi tiểu, nhuận tràng.
Để điều trị ho nhiều đờm, suyễn, tức ngực, khó thở: bạn lấy khoảng 10g củ cải, 10g hạt tía tô, 3g hạt cải, sao vàng cho đến khi có mùi thơm và tán nhỏ các vị trên, cho vào túi vải, cho thêm chừng 300ml nước, sắc còn 100ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Liễu Phạm (Tổng hợp)