Một nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu sẽ công du châu Á để thảo luận về các vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên trong bối cảnh Washington tiến hành bước tiếp theo trong chính sách ngoại giao với Bình Nhưỡng.
|
Đặc phái viên Mỹ về nhân quyền tại Triều Tiên Robert King.
|
Theo đó, Đặc phái viên Mỹ Robert King phụ trách về nhân quyền ở Triều Tiên sẽ gặp các quan chức Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như người Triều Tiên đang sống tại Hàn Quốc trong chuyến công du châu Á từ ngày 19/8 tới ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố. Chuyến công du châu Á lần này của nhà ngoại giao King báo hiệu, Mỹ trong bước đối ngoại tiếp theo, có kế hoạch ưu tiên các vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên.
Tình trạng căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng đầu năm nay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 và đe dọa tấn công Mỹ đã dần lắng dịu.
Tuy nhiên, Mỹ tỏ ra kém mặn nồng trước lời đề nghị tái khởi động các cuộc đàm phán của Triều Tiên đồng thời mạnh mẽ tuyên bố, chỉ đối thoại nếu Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trong một bài phát biểu vào hồi tháng 6, ông Glyn Davies, một chính trị gia hàng đầu về chính sách Triều Tiên nhấn mạnh, ngày nay Mỹ cũng như Hàn Quốc có chung kế hoạch đặt trọng tâm vào vấn đề nhân quyền quan trọng như vấn đề tranh chấp hạt nhân trong những thập niên trước với nước này.
Mỹ hiện kêu gọi Triều Tiên phóng thích công dân Mỹ gốc Hàn Kenneth Bae, một nhà điều hành tour du lịch tới Bình Nhưỡng bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái với cáo buộc chống chế độ và giảng đảo bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Bae bị Triều Tiên kết án 15 năm lao động khổ sai vừa phải nhập viện do sức khỏe suy kiệt.
Mỹ tuyên bố, vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên có lẽ tồi tệ nhất thế giới khi những người bất đồng chính kiến bị đàn áp, những người tìm cách di cư đều bị trừng phạt nặng nề.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, King sẽ gặp các quan chức của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Chương trình lương thực thế giới và Người tị nạn tại Bắc Kinh. Nhà ngoại giao Mỹ từng tham dự các cuộc đàm phán để ký thỏa thuận 29/2 năm ngoái trong đó Mỹ cam kết viện trợ lương thực cho Triều Tiên. Tuy nhiên, thỏa thuận bị phá vỡ và Mỹ đình chỉ cam kết viện trợ lương thực sau khi chế độ Kim Jong-un phóng tên lửa hồi tháng 4/2012
Bạch Dương (theo Channelnewsasia)