Tuần trước Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 10397 đến các tỉnh, thành phố để đốc thúc tăng cường các biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm. Nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang chật vật đối phó với tình trạng sức mua yếu của thị trường, phải giảm giá hoặc kiềm chế tăng giá bán để giải quyết hàng tồn kho; người nông dân đang bế tắc trước nỗi lo nông sản, sản phẩm chăn nuôi bị rớt giá… thì vấn đề Công văn 10397 đặt ra hơi lạc điệu.
Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính ban hành công văn này chỉ một tuần sau quyết định điều chỉnh tăng giá điện lại cho thấy một vấn đề khác. Đó là nguy cơ gây bất ổn về giá cả, trong điều kiện thực tế hiện nay, không hẳn do quan hệ cung – cầu, mà chủ yếu đến từ quyết định điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Nguy cơ tiềm ẩn này đã được chỉ rõ trong Công văn 10397 như sau: “Giá một số mặt hàng tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình thị trường như giá điện; giá than cho sản xuất điện; giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường tác động đến giá xăng dầu trong nước; giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; giá dịch vụ giáo dục (học phí)”.
Vấn đề là ở chỗ, khả năng kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn trên lại không nằm trong tay các địa phương, mà thuộc quyền quyết định của các bộ ở trung ương, như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế…
Đến hết tháng 7-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước chỉ tăng 2,68% so với tháng 12 năm ngoái. Đây là con số thấp. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào vào rổ hàng hóa để tính giá, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những nhân tố tác động mạnh nhất đến CPI bảy tháng qua chính là các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Ví dụ như chỉ số giá dịch vụ y tế tăng tới 58,43% so với tháng 12-2012. Hoặc chỉ với hai quyết định tăng giá xăng, dầu vào tháng 6-2013, lập tức đẩy chỉ số giá dịch vụ vận tải tăng 1,34% ngay trong tháng 7.
Nhìn lại chính sách điều hành giá cả những sản phẩm và dịch vụ quan trọng từ cuối năm ngoái đến nay, đặc biệt là nhóm hàng năng lượng như xăng dầu, điện, than, có thể nhận ra các cơ quan quản lý nhà nước đã tỏ ra quyết đoán và mạnh dạn hơn trong việc ra quyết định cho tăng giá.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, do chỉ số lạm phát những tháng đầu năm nay quá thấp, các bộ Tài chính và Công Thương đã có thể yên tâm với mục tiêu CPI của năm nay nên không còn phải lo đến lạm phát khi quyết định điều chỉnh giá các mặt hàng năng lượng.
Nhưng không chỉ có thế, các chính sách điều hành giá cả còn cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước đang lo cho “túi tiền” của ngân sách, của một số tập đoàn nhà nước hơn là túi tiền của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chẳng hạn như, thay vì giảm giá xăng, dầu để giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thì Bộ Tài chính lại quyết định tăng thuế nhập khẩu và tăng giá xăng dầu. Các quyết định tăng giá than bán cho điện, tăng giá điện cũng mang mục đích như vậy.
Rõ ràng, chính sách điều hành giá cả như vậy, trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay, là chưa phù hợp. Nó không giải quyết được cái gốc của vấn đề, mà chỉ xử lý được phần ngọn. Thế nên, thay vì chỉ nhìn vào CPI, hay con số thu ngân sách và túi tiền của các tập đoàn Điện lực, Công nghiệp than và khoáng sản, Xăng dầu, các bộ nên nhìn vào túi tiền của người dân, của doanh nghiệp trước khi ban hành các chính sách về giá cả. Vì suy cho cùng, dân giàu thì nước mới mạnh. Túi của người dân, của doanh nghiệp có “rủng rỉnh” thì túi của ngân sách mới đầy. Doanh nghiệp có sống được thì ngành điện, ngành than mới sống được.
THEO thesaigontimes