Bạn có thể không biết điều này, nhưng Việt Nam, một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới cũng đồng thời là một trong những nước uống cà phê ít nhất.
Ông Phạm Đình Nguyên, người nổi tiếng vì chi ra 900.000 USD để mua Buford, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, mới đây tuyên bố sẽ đổi tên thị trấn thành PhinDeli. Deli thì hẳn nhiều người đã biết là chữ viết tắt của “Delicious” – “ngon”, thường đi kèm với cái thương hiệu ẩm thực như Paris Deli, Saigon Deli,… Còn “Phin” là cái gì?
Phin chính là cà phê phin, một trong những đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Ông Nguyên muốn xuất khẩu văn hóa cà phê ấy sang nước Mỹ, với cái thị trấn đặc biệt của ông là “tiền đồn”.
Việt Nam có văn hóa cà phê riêng, cái phin là một minh chứng. Bạn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu một “ông Tây” giơ ngón cái lên và luôn mồm “so good” khi được hỏi có thích cà phê pha theo kiểu Việt Nam không. Bạn có thể tìm thấy ở những khu chợ người Việt trên đất châu Âu những quán bán cà phê đặc sánh kiểu quê nhà phục vụ cho bà con đi chợ, vì họ không uống được cái thứ “cà phê Tây” nhàn nhạt mà dân bản địa uống như giải khát trong các quán Starbucks.
Nhưng thực chất thứ văn hóa đặc sắc ấy đang được đối xử không tử tế ngay tại nước ta.
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ cà phê thuộc hàng thấp trên thế giới. Điều này trái ngược hoàn toàn với thực tế rằng chúng ta đang là một trong những nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới, chính xác là á quân sau Brazil. Ở Brazil và Colombia (nước xếp sau chúng ta về xuất khẩu cà phê), đều uống nhiều cà phê. Việt Nam chỉ tiêu thụ chưa đến 5% lượng cà phê mà chúng ta sản xuất ra.
Chuyện này nghe có gì không ổn vì ở nước ta quán cà phê nhiều kinh khủng, nam thanh nữ tú thẹn thùng nắm tay nhau trong quán cà phê, viên chức ngồi quán cà phê nhiều hơn văn phòng, các mẹ các chị lôi nhau ra quán cà phê tám chuyện chồng con, giao dịch xã hội đen hay đòi nợ cũng ở quán cà phê.
Các tay buôn cà phê (chân chính) đặt giả thiết: cà phê giả đang lên ngôi. Dân ta vẫn uống cà phê như hũ chìm, nhưng thật ra là uống bột ngô trộn hương liệu. Tất nhiên là giả thiết thôi, vì biết đâu dân ta ít uống cà phê thật, vào quán hay uống trà hay sinh tố thì sao, phải chờ điều tra xã hội học. Nhưng đây là giả thiết hợp lý.
Mà kể cả giả thiết ấy có sai thì rốt cục hạt cà phê cũng chẳng được coi ra gì tại Việt Nam. Và như thế, người nông dân sẽ mãi phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và long đong bao nhiêu bận. Chúng ta không uống đã đành, cũng chẳng yêu thương gì nó, đến thật giả cũng không buồn phân biệt, thì làm sao mà tạo ra được những sản phẩm và thương hiệu tốt từ cà phê và chinh phục thế giới. Mãi vẫn xuất nguyên liệu thô.
Rồi nam thanh nữ tú lại đổ xô nhau đi uống Starbucks và Coffee Beans trong khi một đại diện văn hóa nước ta, thứ trị giá nhiều tỷ USD, thì chẳng ai buồn giữ gìn. Có vài vị doanh nhân gồng mình lên tuyên truyền về văn hóa cà phê Việt, nhưng rốt cục các vị ấy có sản xuất ra cà phê tử tế hay không thì… tùy tâm.
Mà độc giả của tôi, chính bạn có biết cà phê phin là một đặc trưng văn hóa của nước ta không nhỉ? Nếu bạn không biết, thì hình như cà phê Việt Nam không chỉ là một vị khách lạ trên đất Mỹ, mà còn là vị khách lạ trên chính đất nước Việt Nam.
Nguồn: Đức Hoàng/ Docbao