Theo VOA News, Mỹ có thể sẽ sử dụng lực lượng hải quân, lục quân, không quân cho cuộc tấn công quy mô vào Syria.
Triển khai hải quân
Nhà phân tích chiến lược John Pike của trang mạng chuyên về an ninh toàn cầu Global Security có trụ sở tại bang Virginia cho biết, Quân đội Mỹ có 4 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke ở Địa Trung Hải thuộc Hạm đội 6. Hai trong số đó đang ở gần với bờ biển Syria. Và mỗi chiếc khu trục này có khả năng mang tới 100 tên lửa hành trình tầm siêu xa Tomahawk.
Một số lực lượng khác của Hải quân Mỹ ở Trung Đông bao gồm 2 tàu sân bay USS Harry S.Truman ở Biển Đỏ và USS Nimitz ở biển Bắc A Rập.
Tàu khu trục USS Barry mang tên lửa hành trình Tomahawk cùng 3 tàu khác đang thường trực ở Địa Trung Hải. Ảnh minh họa
Chiến đấu cơ cất cánh từ đâu?
Mỹ có thể gửi thêm máy bay chiến đấu tới Syria từ các căn cứ không quân của các nước đồng minh ở châu Âu và vùng Vịnh.
Máy bay chiến đấu Mỹ ở Tây Âu cũng có thể được triển khai gần Syria bằng cách di chuyển tới Italy và Bulgaria.
Triển khai máy bay chiến đấu Mỹ từ các căn cứ không quân ở Kuwai, Qatar, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman sẽ rất phức tạp. Các nước vùng Vịnh đều chống lại chính quyền của ông Assad, nhưng bất cứ máy bay chiến đấu nào bay qua vùng lãnh thổ của họ để nhằm vào Syria đều cần sự cho phép để bay qua vùng lãnh thổ của 1 trong 3 nước A Rập còn lại.
Nếu cần thiết, Mỹ sẽ triển khai thêm tiêm kích F-16 cất cánh từ các căn cứ không quân các nước đồng minh Trung Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với AFP, người phát ngôn của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cho biết Iraq sẽ không cho phép việc sử dụng không phận của nước này để tấn công bất kỳ quốc gia láng giềng nào.
Ai Cập chưa cho biết về việc liệu họ có cho phép bay quá cảnh qua địa phận của họ trong các hành động quân sự chống lại chính phủ Syria.
Ông Pike cho rằng các máy bay Mỹ sẽ cần có lực lượng máy bay tiếp dầu để thực hiện chuyến bay dài từ vùng Vịnh tới Syria. Theo ông này, sẽ dễ dàng hơn cho Mỹ nếu họ xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ (Mỹ hiện có 2 căn cứ không quân gồm Incirluk và Izmiz đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc di chuyển 2 tàu sân bay tới vùng biển Địa Trung Hải.
Lực lượng đặc nhiệm lục quân
Quân đội Mỹ cũng có thể sử dụng hàng trăm binh sĩ tại Jordan, đang đóng quân tại Trung tâm Huấn luyện Lực lượng đặc biệt King Abdullah II ở Đông Bắc Amman.
Những binh sĩ này bao gồm các sĩ quan từ Bộ chỉ huy Trung Tâm Mỹ cũng như Sư đoàn Bọc thép số 1. Các binh sĩ này được gửi tới Jordan để giúp chống lại các cuộc tấn công từ Syria cũng như việc khếch tán vũ khí hóa học.
Mỹ cũng gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 và máy bay chiến đấu F-16 tới Jordan cho các cuộc tập trận vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, các lực lượng này vẫn đồn trú tại đây sau khi cuộc tập trận kết thúc.
Mục đích Mỹ mở cuộc tấn công
Nhà phân tích chiến lược John Pike cho biết, việc Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự sử dụng các lực lượng kể trên có thể để thực hiện 1 trong 2 mục đích chính: đe dọa việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hoặc đoạt các vũ khí hóa học từ tay các lực lượng ở Syria.
Mục tiêu của Mỹ là kho vũ khí hóa học của Syria.
Theo ông Pike, chính phủ của Tổng thống Obama sẽ thực hiện các vụ không kích quy mô nhỏ sử dụng tên lửa thay vì máy bay chiến đấu. Những vụ không kích này có thể nhằm vào các cơ quan chính phủ, tòa nhà an ninh hoặc Không quân Syria.
“Tuy vậy, những cuộc tấn công vào các mục tiêu này sẽ rất khó khăn cho Mỹ: Nếu Mỹ tấn công cung điện của Assab và thổi bay nó, mọi người sẽ cho rằng đó là một vụ ám sát. Nếu Mỹ tấn công căn cứ quân sự, mọi người sẽ hỏi là số vũ khí hóa học đâu?”, ông Pike bình luận.
Cũng theo ông này, Mỹ có thể lựa chọn một cách khác là đánh chiếm hoặc phá hủy những kho vũ khí bị tình nghi là vũ khí hóa học của Syria để đảm bảo những vũ khí này không được dùng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, việc tấn công phá hủy kho vũ khí hóa học có thể gây ra mối nguy hiểm ô nhiễm môi trường.
“Tôi không cho rằng chính phủ ông Obama sẽ trả giá đắt như vậy. Tuy nhiên, việc đánh chiếm kho vũ khí hóa học sẽ cần đến hàng nghìn binh sĩ. Điều này sẽ dẫn tới sự hi sinh của nhiều lính Mỹ”, ông Pike cho biết.
(BKT)