Thanh Diễm/Người Việt
LOS ANGELES (NV) - Như báo Người Việt đã loan, đội bóng câu lạc bộ Chivas USA của giải vô địch bóng tròn nhà nghề MLS Hoa Kỳ, sẽ chính thức có nhóm chủ nhân mới, mua lại từ MLS, với giá ít nhất $100 triệu.
Ðội bóng Chivas USA (hàng phải) ra sân trong một trận đấu tại StubHub Center, Carson, California. (Hình: Yahoo/Sports)
Nhóm chủ nhân mới này gồm có, Henry Nguyễn (tức Nguyễn Bảo Hoàng) con rể của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, có cổ phần nhiều nhất; Guber là nhà sản xuất Hollywood và đồng chủ nhân của đội bóng baseball Los Angeles Dodgers và Golden State Warriors; Vincent Tan, người Malaysia, chủ nhân đội bóng tròn Cardiff City, vừa bị rớt hạng từ Premier League trong mùa vừa qua; và Penn là cựu giám đốc điều hành NBA đồng thời là chuyên viên phân tích từng làm việc với hệ thống truyền hình thể thao ESPN.
Số tiền $100 triệu mà nhóm bốn chủ nhân mới bỏ ra, chỉ là mua lại thương hiệu đội bóng Chivas USA.
Theo điều khoản trong hợp đồng được tiết lộ, sau khi mua lại, Chivas USA sẽ tạm ngưng hoạt động trong thời gian ít nhất hai năm để được tái xây dựng trở lại với tên tuổi mới cùng với sân vận động mới.
Vấn đề vẫn chưa được biết rõ là theo điều lệ của MLS, mỗi đội bóng mới gia nhập sẽ phải đóng một số tiền lệ phí (có thể được gọi là tiền ký quỹ) để được thi đấu, như đội tân binh trong mùa bóng MLS 2015, New York City FC, đã đóng số tiền phí kỷ lục $100 triệu.
Vậy trong trường hợp của đội bóng mới Chivas USA có phải đóng số tiền này không vẫn chưa được rõ ràng. Nếu nhóm chủ nhân mới của Chivas USA phải đóng thêm tiền lệ phí này chắc chắn số tiền sẽ lớn hơn con số $100 triệu rất nhiều, không kể tiền xây dựng sân mới...
Cũng theo những nguồn tin thân cận của tạp chí thể thao SI cho biết có hai địa điểm được nhóm chủ nhân này quan tâm xây dựng sân vận động mới là ở khu thương mại Los Angeles (không xa Staples Center) và gần trường đua Hollywood Park. Một địa điểm khác cũng có thể được chọn là gần Los Angeles Sports Arena.
Ngoài ra vấn đề tồn tại khác là tình trạng các cầu thủ hiện nay thi đấu cho đội Chivas USA cũng như các cầu thủ trong học viện đào tạo của đội này sẽ ra sao?
Có thể có sự can thiệp của MLS để giải quyết bằng việc cho các đội bóng khác trong MLS được chọn lựa theo thể thức draft (chọn cầu thủ từ các đội bóng của MLS).
Trong năm 2002, đã có hai lần chọn cầu thủ khác nhau tiếp theo sau việc hai đội bóng Tampa Bay Mutiny và Miami Fusion bỏ cuộc chơi. Bấy giờ 10 đội còn lại, mỗi đội có thể được chọn nhiều nhất bốn cầu thủ qua hình thức SuperDraft. Và điều không rõ là nếu việc chọn cầu thủ diễn ra, có ảnh hưởng đến hai đội bóng mới là New York City FC và Orlando City hay không.
Ðược biết, Chivas USA là đội bóng anh em của đội C.D. Guadalajara nổi tiếng tại Mexico. Ðặt bản doanh tại thành phố Carson, khu vực ngoại ô của Los Angeles, bắt đầu tham dự giải Major League Soccer (MLS) từ năm 2004, trở thành đội thứ 11 của giải này. Chivas USA mượn sân StubHub Center ở Carson làm sân nhà, cùng sân với đội Los Angeles Galaxy.
Chủ nhân ban đầu của Chivas USA là ông Jorge Vergara (cũng là chủ nhân của đội C.D. Guadalajara). Do thành tích thi đấu kém trong những mùa bóng vừa qua, khiến cho số lượng khán giả ngày càng ít ỏi nên ông Jorge Vergara không kham nổi phải buông tay và trong đầu năm 2014, giới lãnh đạo MLS đã mua lại đội này.
Logo đội bóng Chivas USA. (Hình: Yahoo/Sports)
Chơi cùng sân nhà nhưng Chivas USA từ bấy lâu nay chỉ được xem như là cái bóng của đối thủ Los Angeles Galaxy. Mùa này, trong 30 trận thi đấu, Chivas USA chỉ thắng 6, hòa 6 và thua đến 18 trận.
Sẽ có cầu thủ từ Việt Nam sang tham dự MLS?
Dù muốn hay không việc ông Henry Nguyễn chiếm đa số cổ phần trong nhóm chủ nhân mới của đội Chivas USA khiến cho nhiều người liên tưởng đến sự kiện trong tương lai là sẽ có một số cầu thủ đủ điều kiện có cơ hội sang Mỹ chơi cho đội bóng này.
Chẳng hạn như trường hợp trong quá khứ, khi cựu Thủ Tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từng mua lại một đội bóng chơi giải Premier League ở Anh, rồi đưa ba cầu thủ Thái sang đá đội này. Tiếc rằng ông Thaksin sau thời gian ngắn đã bán lại cổ phần của mình nên cả ba cầu thủ Thái Lan này không có cơ hội ra sân.
Ðặc biệt lứa cầu thủ đội tuyển U19 Việt Nam mà phần lớn xuất thân từ học viện GMG - Hoàng Anh Gia Lai Arsenal của ông bầu Ðoàn Nguyên Ðức. Mục đích của học viện này là đào tạo cầu thủ sau này có thể thi đấu cho các đội bóng ở nước ngoài từ Châu Âu đến Châu Á như Nhật, Nam Hàn...
Vì thế việc ông Henry Nguyễn mua đội bóng rất có thể - dù chỉ là dự đoán - liên hệ đến sự hỗ trợ hoặc đóng góp đằng sau của ông Ðoàn Nguyễn Ðức nếu không nói thêm là có thể có một vài nhân vật giàu có tiếng tăm trong giới thể thao Việt Nam khác nữa.
Việc lứa cầu thủ đội tuyển U19 Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Ðông Triều, Duy Mạnh...nếu phát triển kỹ thuật và thể lực được thuận lợi và thành công thì việc chơi cho bất kỳ đội bóng nào tại giải MLS Hoa Kỳ cũng là điều bình thường.
Ðiển hình là trường hợp cầu thủ Mỹ gốc Việt 100% Lee Nguyễn (Nguyễn Thế Anh), từng thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai, rồi đến Bình Dương sau đó trở lại Mỹ chơi cho đội bóng New England kể từ mùa bóng 2012 đến nay và hiện trở thành một trong năm cầu thủ được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trong năm 2014.
Lee Nguyễn khi còn thi đấu cho đội Bình Dương, từng gia nhập quốc tịch Việt Nam với ý định sẽ thi đấu cho đội tuyển quốc gia Việt Nam nhưng sau đó bị VFF thời điểm này tảng lờ nên đành rút về lại Hoa Kỳ.
Hơn nữa cần nói thêm việc có một chủ nhân đội bóng là người Việt Nam sẽ thuận lợi hơn cho việc đem một số cầu thủ đủ điều kiện từ Việt Nam sang chơi cho MLS, Hoa Kỳ.
Qua những nhận xét và dự đoán nói trên, có thể nói mọi việc đều có thể xảy ra và dĩ nhiên, việc ông Henry Nguyễn góp tiền mua đội bóng Chivas USA cũng nằm trong mục đích đầu tư, đánh bóng tên tuổi và thương hiệu của mình.
NV