Tuần tới, Bắc Kinh sẽ trình làng máy bay tàng hình mới có tên Shenyang J-31 (Thẩm Dương J-31) tại triển lãm hàng không thế giới Zhuihai (Chu Hải). Mặc dù các thông số của phi cơ chiến đấu này vẫn chưa rõ, một số quan chức và phi công Mỹ nói rằng
máy bay tàng hình J-31 của Trung Quốc có thể là một trong những đối thủ đáng gờm cho F-22 và F-35.
Việc các quan chức lo ngại về tính năng của J-31 phần lớn là bởi những thành công mà Trung Quốc trong những hoạt động tình báo công nghiệp đối với Mỹ.
Một phi công không rõ danh tính chuyên lái F-35, là mẫu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ, trả lời báo chí rằng: “Tôi tin rằng, chúng sẽ ngang cơ với các máy bay thế hệ thứ năm của chúng ta. Nhất định là vậy, bởi hoạt động tình báo công nghiệp của Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn”.
Các hacker Trung Quốc được biết đến nhờ những thành công liên tiếp trong việc thu thập những thông tin nhạy cảm về những dự án quốc phòng của Mỹ.
Tháng 7 năm nay, một doanh nhân Trung Quốc đã bị bắt tại Canada theo yêu cầu của FBI sau khi người này bị buộc tội đánh cắp thông tin của 32 dự án quân sự của Mỹ, bao gồm cả F-35.
Những thông tin đã bị đánh cắp từ F-35 rất có thể đã được áp dụng vào thiết kế của
máy bay tàng hình J-31 của Trung Quốc. Báo cáo cho thấy Trung Quốc có thể đang tìm cách để khiến J-31 có thể hạ cánh trên các tàu sân bay và đóng vai trò tương tự như F-35C, hoạt động như một phi cơ trên biển. Sự tương đồng giữa các loại máy bay tiêm kích đã đặt Trung Quốc và Mỹ vào một cuộc đua nhằm chế tạo máy bay tàng hình cất cánh từ tàu sân bay.
Nếu chiếc J-31 thực sự có thể trở thành đối thủ của F-35, Trung Quốc có thể chống lại một số hoạt động chiến lược của Mỹ trên biển Thái Bình Dương. Một cựu phi công Mỹ cũng nói rằng máy bay K-31 của Trung Quốc có thể thắng được một số máy bay thế hệ thứ tư của Mỹ, bao gồm F-15 và F/A-18E/F Super Hornet.
Tuy nhiên, sự vượt trội về kỹ thuật của một máy bay không đóng vai trò quyết định đối với khả năng chiến đấu. Kỹ năng và quá trình huấn luyện của phi công đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định tính hiệu quả của một phi cơ chiến đấu.
David Cenciotti, một chuyên gia hàng không quân sự và là người sáng lập tạp chí The Aviationist, trả lời báo chí rằng: “Có thể nói rằng, hiệu quả chiến đấu không hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ, đầu đạn hiện có hay những thiết bị trên máy bay”. Hệ thống cảnh báo sớm, hoạt động tình báo và huấn luyện phi công đều rất quan trọng.
Chiếc J-31 có kích cỡ tương đương với F-35. Tuy nhiên, phi cơ Trung Quốc có động cơ nhỏ hơn và thân máy bay mảnh hơn F-35, điều này cho thấy máy bay được dành cho những cuộc đối đầu trên không. Thiết kế của J-31 cũng khiến số lượng tên lửa mang theo của máy bay nhỏ hơn F-35, mặc dù điều này sẽ làm tăng hiệu suất nhiên liệu của máy bay cũng như tốc độ bay bởi máy báy sẽ chịu ít sức cản hơn máy bay tàng hình của Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…
Chiếc J-31 mà Trung Quốc sắp trình làng - Ảnh: topwar.ru
Anh Tuấn - Infonet (lược dịch)