Được tung hô như chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5, đối thủ cạnh tranh đáng gờm với chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ, nhưng mẫu chiến đấu cơ J-31 vừa ra mắt của Trung Quốc đã bị dư luận cả trong và ngoài nước chê tơi bơi.
Tại triển lãm hàng không quốc tế vừa diễn ra tại thành phố Zhuhai, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã cho ra mắt chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 J-31, được quảng cáo có khả năng tàng hình vượt trội, cơ động cao cùng nhiều tính năng hiện đại khác. Tuy nhiên, những phản hồi sau khi J-31 thực sự cất cánh và trình diễn cho thấy mẫu chiến đấu cơ này có nhiều khiếm khuyết rất rõ ràng.
Chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc có hiệu năng kém
Những ý kiến chỉ trích J-31 xuất phát chủ yếu từ làn khói thải màu đen mà chiến đấu cơ này phát ra, cho thấy rõ ràng các động cơ có hiệu suất đốt nhiên liệu kém.
Có 2 loại động cơ được lắp trên các chiến đấu cơ J-31, gồm động cơ RD-93 mà Nga vẫn sử dụng cho các chiến đấu cơ MiG-29, sử được gắn trên những máy bay được Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu. Trong khi đó mẫu chiến đấu cơ được đưa vào biên chế của không quân Trung Quốc sẽ dùng động cơ WS-13, được phát triển dựa trên RD-93.
Hiện chưa rõ chiếc J-31 trình diễn tại Zhuhai sử dụng động cơ nào.
Trong khi đó, chuẩn đô đốc của hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Zhang Zhaozhong trong một phát biểu tại Xiamen hồi đầu tuần cho biết, kỹ thuật động cơ đảo chiều của Trung Quốc vẫn còn những hạn chế, và sẽ phải thêm vài năm nữa mới có thể đạt được đột phá trong việc tự phát triển động cơ.
Theo vị sỹ quan này, việc phát triển động cơ máy bay bao gồm hai vấn đề chính là cơ khí và điều khiển kỹ thuật số, mà trong đó yếu tố thứ hai luôn khó khăn hơn. “Đó là phần việc khó khăn và không dễ đạt được thành công trong một thời gian ngắn”, ông Zhang nói và cho rằng J-31 quá nặng nề.
Ngoài vấn đề về hiệu năng tiêu thụ nhiên liệu, phân tích của trang tin hàng không uy tín Ainonline còn chỉ ra rằng, hình dáng khí động học của J-31 khiến nó có hiệu năng kém. Máy bay đốt cháy quá nhiều nhiên liệu, còn phi công luôn gặp khó khăn trong việc giữ cho đầu máy bay hướng lên trên trong khi thực hiện các cú ngoặt và chuyển hướng khác.
Các nhà phân tích hàng không phương Tây còn chỉ ra rằng, chiếc J-31 được đem ra trình diễn tại Zhuhai là phiên bản “sạch”, tức là chưa được trang bị vũ khí và hiệu chỉnh để thực sự chiến đấu. Một khi được đưa đi thực hiện nhiệm vụ, trọng lượng của máy bay sẽ tăng thêm, và khiến hiệu suất bay của J-31 càng tệ hơn nữa.
Trong khi đó, nhà phân tích Richard Aboulafia đến từ tập đoàn Teal cho rằng triển vọng xuất khẩu của chiến đấu cơ Trung Quốc không tươi sáng như được thêu dệt.
Aboulafia khẳng định rằng các nước mua khí tài Trung Quốc chủ yếu có ngân sách hạn chế, mà đến nay mới có Pakistan là khách hàng lớn nhất. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải tìm những khách hàng mới cho mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, cao cấp hơn của mình.
Thêm vào đó J-31 có vẻ gia nhập thị trường quá muộn, bởi không quân và hải quân Mỹ đều đã bắt đầu kế hoạch phát triển các chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo để lần lượt thay thế F-22 và F/A-18E/F.
Dân trí