Sự kiện CĐV Malaysia tấn công CĐV Việt Nam đang được quan tâm, người ta đòi hỏi cần phải có án phạt nặng dành cho bóng đá Malaysia. AFC và AFF cũng đã lên tiếng. Nhưng không ít lần cả 2 tổ chức này đều giơ cao đánh khẽ với bóng đá xứ Mã.
Mới hồi tháng 3, AFC phạt LĐBĐ Malaysia 10.000 USD vì CĐV nước này có những ứng xử không phải với đội tuyển Philippines, trong trận giao hữu giữa Malaysia và Philippines trước thềm Challenge Cup.
Ứng xử không phải lối hiểu nôm na là thiếu văn hóa, nhưng mức phạt 10.000 USD với một liên đoàn cấp quốc gia thật ra chỉ như muối bỏ biển. Ở châu Âu, khi các CĐV có hành vi tương tự nhằm vào đối thủ, các CLB và các liên đoàn thường bị phạt nặng hơn nhiều. Thậm chí, bị phạt theo hình tổ chức các trận đấu trên sân không có khán giả, hoặc buộc phải đá ở sân trung lập, vì không đủ khả năng đảm bảo an toàn cho đội khách cũng như CĐV đội khách.
Lần này, tổng thư ký LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) Azzuddin lên tiếng cho biết AFF yêu cầu phía LĐBĐ Malaysia phải giải trình về vụ CĐV nước họ tấn công CĐV Việt Nam trên sân Shah Alam.
Hình ảnh này mà xuất hiện ở nơi khác, không phải ở Malaysia, thì liên đoàn bóng đá cấp quốc gia nước đó có khi bị phạt thẳng tay
Nhưng đừng quên chi tiết ông Azzuddin vốn là người Malaysia. Trụ sở của cả 2 tổ chức bóng đá là AFC và AFF đều đang tọa lạc tại Kuala Lumpur (Malaysia), với hầu hết nhân viên của 2 tổ chức vừa nêu là người Mã.
Thế nên, không lạ khi bóng đá Malaysia thường xuyên được hưởng những lợi thế vô hình ở các giải đấu do AFC và AFF tổ chức. Ví như trong trận Singapore – Malaysia ở cuối vòng bảng AFF Cup năm nay, Malaysia được hưởng quả phạt đền gây tranh cãi, mà thường thì trong thời điểm ấy, các trọng tài hiếm khi chỉ tay vào chấm phạt đền trong những pha va chạm tượng tự như thế.
Rồi công tác trọng tài trong trận bán kết lượt đi giữa Malaysia và Việt Nam vừa qua trên sân Shah Alam cũng có quá nhiều vấn đề, nói thẳng là thiếu công minh như bình luận của kênh thể thao trung lập Fox Sports.
Quay trở lại với các án phạt, bóng đá Malaysia mấy năm gần đây có rất nhiều chuyện, CĐV Malaysia ngày càng cực đoan, thậm chí đã xuất hiện nhiều phần tử Hooligans. Không chỉ có vụ tấn công CĐV Việt Nam, hành xử không đúng với đội tuyển Philippines, hồi năm 2010, Malaysia cũng có rất nhiều chiêu trò để giành cúp AFF năm đó.
Trong trận bán kết lượt đi với Việt Nam 4 năm trước, CĐV Malaysia mang đèn laser vào sân, chiếu thẳng vào mặt thủ môn Tấn Trường của Việt Nam, khiến thủ môn này hoang mang rồi mắc sai lầm.
AFF khi đó cũng nói sẽ phạt, nhưng rốt cuộc đến trận chung kết lượt đi giữa Malaysia với Indonesia, cảnh cũ tiếp tục tái lặp, và Indonesia lại bị ức chế với đèn laser của CĐV Malaysia rồi thua đậm.
Thật ra thì nếu người ta muốn làm mạnh, các liên đoàn bóng đá quốc tế muốn làm tới nơi tới chốn, việc ngăn những cái đèn laser, hay pháo sáng, pháo nổ (CĐV Malaysia sử dụng trên sân Shah Alam hôm Chủ Nhật vừa rồi) không khó. Nhưng những thứ ấy cứ lọt vào sân thì rõ ràng có lỗ hổng trong hành lang pháp lý giữa AFC, AFF với bóng đá Malaysia.
Thành ra, vị Tổng thư ký AFF cứ việc nói cứng, AFC cũng lên tiếng, nhưng họ có phạt bóng đá Malaysia đích đáng hay không, sau hành vi Hooligans Malaysia tấn công CĐV Việt Nam lại là chuyện khác?!
Không dưới 1 lần, bóng đá Malaysia từng thoát khỏi những án phạt quy mô quốc tế một cách ngoạn mục! Giả sử bóng đá xứ khác mà hành xử như bóng đá Malaysia thì coi chừng lãnh đủ hậu quả chứ chẳng chơi!
Kim Điền