Vietbf.com - Điểm lại thế hệ máy bay chiến đấu nổi tiếng nhất trên thế giới có sử dụng công nghệ tàng hình với những nước sở hữu loại máy bay này sau Mỹ như Nga và Trung Quốc sử dụng công nghệ giúp thu nhỏ diện tích phản xạ sóng radar (RCS) nhờ một lớp sơn phủ ngoài, hình dạng đặc biệt của máy bay cũng như chất liệu làm nên khung máy bay.
Công nghệ tàng hình là yếu tố bắt buộc phải có để được gọi là chiến đấu cơ thế hệ 5. Công nghệ này giúp thu nhỏ diện tích phản xạ sóng radar (RCS) nhờ một lớp sơn phủ ngoài, hình dạng đặc biệt của máy bay cũng như chất liệu làm nên khung máy bay. RCS càng nhỏ, chiếc máy bay càng khó bị phát hiện bởi các hệ thống phòng không của đối phương.
RCS của các loại máy bay ném bom cũ có thể lên tới 100m2 và khoảng 3 – 12 m2 đối với các máy bay chiến đấu thế hệ 4, tuy nhiên, thông số này của máy bay tàng hình chỉ vào khoảng 0,3 – 0,4 m2. RCS cho một chiếc máy bay thường thay đổi dựa theo hướng của radar với máy bay này. Thông số về RCS của các mẫu máy bay tàng hình đều được các nước dấu kín, tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự vẫn thường phán đoán gần đúng thông số này.
Dưới đây là danh sách các máy bay tàng hình nổi tiếng nhất trên thế giới.
Máy bay ném bom B-2
B-2 Spirit là máy bay ném bom chiếm lược hiện đại nhất của Mỹ hiện nay, được trang bị công nghệ tàng hình trước radar. B-2 là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất với chi phí có thể lên tới 2,2 tỉ USD/chiếc.
B-2 có sải cánh 52,4m, chiều dài thân, 21m, trọng lượng không tải 45 tấn và trọng lượng tối đa khi tải là 170 tấn. Nó có thể đạt vận tốc tối đa 2.146 km/h, tầm bay gần 10.000km trong khi chỉ cần điều khiển bởi một tổ lái 2 người.
Mỗi chiếc B-2 có thể chuyên chở đến 21 trái bom hạt nhân B61, hoặc 16 trái bom hạt nhân B83, hoặc 80 trái bom Mk 82 trọng lượng 227 kg.
Điểm nổi bật của B-2 khiến Mỹ luôn tự hào đó chính là lớp vỏ tàng hình của máy bay. Lớp vỏ này giảm cường độ các tín hiệu âm thanh, hồng ngoại, điện từ, quang học và sóng radar, giúp nó không bị phát hiện bởi các hệ thống phòng thủ cũng như radar của đối phương. Chính thiết kế sải cánh ngang bè khác thường và các chất liệu tổng hợp đặc biệt của B-2 cũng góp phần vào việc tăng khả năng tàng hình của nó.
Ban đầu, Mỹ có dự định lập phi đội 100 chiếc B-2, tuy nhiên, tham vọng này đã không thể thực hiện được và giờ chỉ có 20 chiếc đang được sử dụng.
B-2 được tự động hoá tối đa và có phi hành đoàn bao gồm 2 phi công. Chỉ số RCS của B-2 được một vài trang mạng phương Tây đăng tải là khoảng 0,0014 – 0,1 m2. Cũng có nguồn đăng rằng nó từ 0,05 đến 0,5 m2.
Máy bay tấn công tàng hình F-117 Night Hawk
F-117 Night Hawk là một máy bay tấn công tàng hình tốc độ cận thanh, được sản xuất bởi nhà thầu Lockheed Martin, Mỹ. Chiếc máy bay này được trang bị công nghệ tàng hình nhằm xâm nhập vào những khu vực chứa nhiều hệ thống phòng không và tấn công những cơ sở chiến lược trên mặt đất.
F-117 có chuyến bay đầu tiên vào 18.1.1981 và đã có tổng cộng 64 chiếc được sản xuất, trong đó chiếc cuối cùng biên chế cho không quân Mỹ vào năm 1990. Mỹ đã dành hơn 6 tỉ USD cho máy bay này bao gồm cả chi phí phát triển và sản xuất. Đến năm 2008, Mỹ đã loại nó ra khỏi biên chế quân đội vì lí do tài chính và sự xuất hiện của máy bay tàng hình F-22 mới hơn.
Theo một số tờ báo, chỉ số RCS của F-117 vào khoảng 0,0025 đến 0,1 m2, tuỳ thuộc vào góc quan sát. Sự tàng hình của F-117 đến từ hình dạng góc cạnh, vật liệu đặc biệt tạo nên chiếc máy bay, cũng như lớp phủ ngoài hấp thụ sóng radar.
Tuy nhiên, các nhà thiết kế Mỹ dường như đã phá vỡ mọi nguyên tắc khí động học nhằm có được yếu tố tàng hình cho F-117, do đó, nó không có khả năng bay tốt. Hệ quả của việc này là đã có 6 chiếc F-117 bị rơi trên tổng số 64 chiếc Mỹ sản xuất.
F-117 đã tham gia 5 cuộc chiến tranh bao gồm Panama (1989), vùng Vịnh (1991), chiến dịch Cáo sa mạc (1998), không kích NATO chống lại Nam Tư (1999) và Iraq (2003).
Một chiếc F-117 đã bị bắn rơi ở cuộc chiến tại Nam Tư bởi hệ thống tên lửa phòng không được cho là lỗi thời do Liên-xô sản xuất - S-125 Neva.
Chiến đấu cơ F-22 Raptor
Lockheed Martin F-22 Raptor là một máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình đầu tiên trên thế giới. Lockheed Martin là nhà thầu chính và chịu trách nhiệm chính về khung, các hệ thống vũ khí, và lắp ráp hoàn thành chiếc F-22. Boeing cung cấp cánh, khung đuôi và các hệ thống điện tử tích hợp.
Tổng cộng chỉ có 187 chiếc F-22 được chế tạo và biên chế vào lực lượng không quân Mỹ. Ban đầu Mỹ có kế hoạch mua tổng cộng 750 chiếc, tuy nhiên do giá thành quá cao và để tập trung cho phát triển F-35, Mỹ đã ngừng sản xuất F-22. Từ khi chính thức biên chế vào năm 2005 đến nay, F-22 cô độc trên đỉnh cao thế giới, bởi chưa có nước nào chính thức chế tạo thành công chiến đấu cơ thế hệ 5.
Để giữ bí công nghệ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định, F-22 sẽ không được bán ra nước ngoài, dù cho đó là đồng minh thân cận nhất.
Không có số liệu chính xác về chỉ số RCS của F-22 tuy nhiên, theo một vài nguồn tin, nó rơi vào khoảng từ 0,0001 đến 0,3 m2. Các chuyên gia Nga thì ước lượng RCS của F-22 từ 0,1 – 0,5 m2 và khẳng định radar Irbis gắn trên tiêm kích Su-35S có thể phát hiện ra F-22 ở khoảng cách dưới 95km.
Lớp chống phản xạ radar của F-22 từng trở nên kém hiệu quả hơn khi nó bay dưới thời tiết mưa. Mỹ đã khắc phục được lỗi này tuy nhiên điều này khiến giá thành của chiếc máy bay lại tang lên nhiều hơn.
Chiến đấu cơ F-35 Joint Strike Fighter
F-35 là loại máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình và thực hiện nhiều nhiệm vụ như: yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật, và chiến đấu không đối không. Ngoài Mỹ là nhà phát triển chính, việc nghiên cứu và chế tạo mẫu máy bay này còn được thực hiện bởi các nước đồng minh khác như Anh, Ý, Canada….
Nguyên mẫu của F-35 đã có lần bay thử đầu tiên vào năm 2006, tuy nhiên do nhiều vấn đề phát sinh về chi phí và lỗi kĩ thuật nên Mỹ phải dời lại kế hoạch chế tạo hàng loạt đến năm 2019. Lầu Năm Góc dự tính đến năm 2016, họ mới bắt đầu mua loại máy bay này để hãng phát triển có thời gian khắc phục các lỗi phát sinh và hoàn thiện thiết kế.
Với việc Mỹ đã đầu tư 400 tỉ USD và dự định mua 1.700 chiếc F-35, đây chắc chắn sẽ là một trong những chiếc máy bay phổ biến nhất thế giới trong hàng thập kỉ tới.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phương Tây, F-35 có khả năng tàng hình kém hơn F-22 và dễ bị phát hiện bởi các hệ thống radar hoạt động ở tần số siêu cao. Chỉ số RCS của F-35 vào khoảng 0,001 m2.
Chiến đấu cơ Sukhoi T-50
T-50 là máy bay ghế ngồi đơn, có 2 động cơ và là chiếc chiến đấu cơ đầu tiên được Nga phát triển để có khả năng tàng hình hoàn toàn trước radar. Chiếc máy bay được thiết kế để chiếm ưu thế trên không cũng như tấn công các mục tiêu dưới mặt đất một cách linh hoạt.
Nga đang phát triển riêng một mẫu động cơ mới cho T-50 và nhiều khả năng sẽ thử nghiệm xong vào năm 2017 để đi vào sản xuất đại trà năm 2018. Các chiến đấu cơ T-50 hiện nay đang sử dụng 2 động cơ AL-41F1, giúp nó có khả năng bay ở tốc độ siêu âm và tầm hoạt động 5.500km. Loại động cơ mới hiện có tên gọi là Type 30 được cho là sẽ mạnh mẽ và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Vào tháng 12.2014, Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UIC) của Nga đã tuyên bố, việc sản xuất hàng loạt mẫu máy bay này sẽ bắt đầu vào năm 2016 và đến năm 2020, không quân Nga sẽ có tổng cộng 55 chiếc T-50.
Các chuyên gia Nga ước lược chỉ số RCS của T-50 vào khoảng 0,3 đến 0,4 m2, trong khi các nhà phân tích phương Tây đoán nó nhỏ hơn gấp 3 lần, chỉ 0,1 m2.
Chiến đấu cơ Chengdu J-20
Chengdu J-20 là máy bay thế hệ thứ 5 đang phát triển của Trung Quốc. Chưa có nhiều thông tin về mẫu máy bay này, tuy nhiên, nó được cho có thể đạt tầm bay xa gần 2.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu trên không.
Ngoài ra, máy bay thế hệ năm của Trung Quốc J-20 cũng có khả năng mang khối lượng lớn vũ khí cho phép tiến hành các cuộc tấn công tầm xa có sức tàn phá lớn hơn. Với kích thước lớn (dài 23m), tốc độ cao (tối đa 2.120Km/h), loại máy bay mới này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc kiểm soát những khu vực rộng lớn ở xa ngoài biển.
Tuy so với T-50 của Nga và F-22 của Mỹ, J-20 còn thua về công nghệ tàng hình và khả năng tiết kiệm nhiên liệu, nhưng giới phân tích quân sự quốc tế cho rằng thế hệ tiêm kích mới này là một dự án quân sự chủ chốt của Trung Quốc và nước này vẫn đang đầu tư nhiều nguồn lực vào việc hoàn thiện nó.
Chiến đấu cơ Mitsubishi X-2 (ATD-X) Shinshin
Mitsubishi X-2 (ATD-X) Shinshin là nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nhật Bản. Nó được phát triển bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển kĩ thuật, thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản. ATD-X rất giống với máy bay đa nhiệm Saab Gripen của Thuỵ Điển về kích cỡ và F-22 của Mỹ về hình dạng.
Nguyên mẫu máy bay chiến đấu mới sẽ được áp dụng công nghệ tàng hình nhờ ứng dụng sâu vật liệu mới kết hợp hình dáng giảm phản xạ tín hiệu radar trong chế tạo. ATD-X cũng có hệ thống radar mảng định pha chủ động (AESA), hệ thống điều khiển đa kênh, tác chiến điện tử và trao đổi thông tin hợp nhất. Mỗi chiếc ATD-X có chi phí vào khoảng 324 triệu USD.