Báo chí thế giới bình luận rất nhiều về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Obama sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 23-25/5 và sau đó dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ise-shima, Nhật Bản. Mọi công tác chuẩn bị đón vị tổng thống này tại Việt Nam đã hoàn tất. Trung Quốc có cài nhìn thế nào về chuyến thăm lịch sử này?
Trong bài viết hôm 17/5, tờ Giải phóng Nhật báo của Thành ủy Thượng Hải, Trung Quốc đã đánh giá ý nghĩa chuyến công du của Obama đối với cục diện châu Á, trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague sắp có phán quyết về vụ kiện biển Đông.
Việt Nam là "điểm tựa" quan trọng đối với Mỹ
Chuyên gia Sở nghiên cứu an ninh và chiến lược thuộc Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, ông Thành Hán Bình nhận định:
"Obama lựa chọn Việt Nam là điểm đến như một động thái 'lấp đầy khoảng trống', bởi ông không muốn để lại điều gì hối tiếc khi kết thúc nhiệm kỳ."
Theo ông Thành, bên cạnh nỗ lực để lại di sản ngoại giao cho người kế nhiệm, chuyến công du Việt Nam của Obama mang theo hàng loạt suy tính thực tế.
(Ảnh: Getty Images)
Đầu tiên, Việt Nam vừa chuyển giao bộ máy lãnh đạo mới sau Đại hội 12, Mỹ đã thông qua nhiều vòng tiếp xúc để "mở đường" cho chuyến thăm của Obama, xây dựng mối liên hệ giữa Washington với thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam.
Thứ hai, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vào tháng 7 năm ngoái, và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ là hành động đáp lễ.
Cuối cùng, Thành Hán Bình cho rằng Obama thăm Việt Nam trong bối cảnh quân đội Mỹ mới đây đã tiến hành cuộc tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông lần thứ ba, cho thấy lập trường của Mỹ ủng hộ bên nào trên Biển Đông.
Trong khi đó, Phó giám đốc Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Giáo sư Kim Xán Vinh bình luận trên Giải phóng Nhật báo rằng chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ trong tương lai sẽ "ngả" hơn về các nước như Việt Nam, Indonesia...
Ông Kim lập luận, các quốc gia khu vực Đông Nam Á có thể chia làm hai nhóm: Các nước trên lục địa và các nước trên biển. Việt Nam là quốc gia mang cả hai thuộc tính trên.
"Là một nước có năng lực công nghiệp vượt qua Indonesia và sức mạnh quân sự hơn Philippines, Việt Nam có đủ tư cách trở thành 'điểm tựa' trong chiến lược 'xoay trục' của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á," học giả này đánh giá.
Cùng ngày 17, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Ben Rhodes cho biết chuyến thăm Việt Nam, và sau đó là Nhật Bản, của ông Obama mang ý nghĩa biểu trưng, thể hiện nước Mỹ đang có cái nhìn đúng đắn về lịch sử, hướng về tương lai.
Ông Rhodes nói, người dân Mỹ nên cảm thấy tự hào vì giá trị của chuyến đi này.
Mặc dù Mỹ-Nhật đã trải qua xung đột khốc liệt trong Thế chiến II, nhưng ngày nay Tokyo đã trở thành đồng minh thân cận của Mỹ. Dù cái giá của Chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ rất đắt và còn nhiều tranh cãi, nhưng Việt Nam cũng đã trở thành một đối tác của Washington.
"Nếu bạn nhìn vào mối quan hệ hợp tác thương mại, mậu dịch, chiến lược cũng như giữa người dân Mỹ và Việt Nam, có thể thấy song phương sẽ tiến thêm một bước thắt chặt mối liên hệ.
Điều này cho thấy chuyến thăm của Tổng thống không phải vì quá khứ, mà là vì tương lai," Ben Rhodes phát biểu.
Therealtz © VietBF