Nhiều món ăn ở VN có cái tên rất kỳ lạ. Ngon bổ rẻ là những gì ấn tượng thực khách về món ăn này. Cùng vietbf khám phá nha.
Phá lấu là phiên âm từ tiếng Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) dùng để chỉ một món đặc trưng của vùng này, được làm từ lòng heo, bò, vịt…
Ngày nay, món phá lấu đã được nhiều người Nam bộ biết đến, nhất là ở khu Chợ Lớn, TP.HCM. Món ăn này dễ dùng, tiện lợi trong chế biến và là “cầu nối” để rôm rả bạn bè. Phá lấu nguyên thủy là dùng độc lập, sau này được phá cách dùng với bánh mì và bây giờ là mì gói. Món này có thể thay bữa ăn chính vì ít ngán và khá ngon.
Để làm món bánh mì, hay món mì gói nấu với phá lấu bò, có thể nói là cả vấn đề. Nhưng nếu tự tay vẽ nên tác phẩm của mình thì sẽ thấy đam mê nấu ăn, yêu ẩm thực và thích thú với món này.
Trước tiên phải chọn lòng bò, gồm lá sách, khăn lông, lách, gân… thiệt tươi mới có món phá lấu ngon. Bóp lòng bò với muối cho thật sạch để mất mùi tanh và dơ. Nấu nồi nước sôi, đập dập hoặc xay nhuyễn vài củ gừng, vài muỗng muối và lòng bò cho vào nồi trụng đến khi nước sôi thì vớt ra, xả sạch nhiều lần rồi ngâm vào thau nước đá cho giòn. Ướp lòng bò với ngũ vị hương, bột cà ri, muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, tiêu sọ, cà ri dầu, ớt say đều tay, ngâm chừng 30 phút cho thấm.
Sau khi qua các công đoạn chuẩn bị, bắc chảo dầu lên bếp, cho hỗn hợp tỏi hành lá, củ riềng, lá cà ri băm nhuyễn đến dậy mùi thì để lòng bò vào chiên cho săn rồi tắt bếp.
Bắc nồi nước dừa (chừng 6 trái dừa tươi) lên bếp. Cho lòng vào hầm đến mềm, vặn lửa liu riu. Để màu nước không bị đục, xám thì trong khi hầm lòng nên mở nắp nồi. Khi bò đã mềm, cho chừng nửa lít nước cốt dừa vào, nêm gia vị lại cho vừa ăn. Xong thì tắt bếp.
Bây giờ chỉ việc trụng mì gói, rau muống cho mềm rồi đặt vào tô phá lấu bò. Mì gói phá lấu dùng với nước me sẽ ngon đậm đà hơn vị chanh.
vietbf @ sưu tầm