Các chuyên gia của Bảo tàng Quốc gia Scotland vừa bóc tách thành công hóa thạch của một sát thủ biển sâu khổng lồ. Quái vật này dài tới 4m, thân hình mập mạp và chiếc miệng dài với hàng trăm răng sắc nhọn và được khai quật trong một khối đá cổ đại lớn.
ABC.net.au hôm qua đưa tin, các chuyên gia của Bảo tàng Quốc gia Scotland vừa bóc tách thành công hóa thạch của một sát thủ biển sâu khổng lồ mang thân hình mập mạp, dài khoảng 4 m và có miệng dài với hàng trăm chiếc răng nhọn hoắt từ một khối đá cổ đại lớn.
"Hóa thạch này thật tuyệt vời", nhà cổ sinh vật học Steve Brusatte ở Trường khoa học địa chất thuộc Đại học Edinburgh, Scotland, người tham gia bóc tách hóa thạch 170 triệu năm tuổi khỏi lớp đá, nhận xét.
Được mệnh danh Quái vật hồ Loch Storr, bộ xương hóa thạch bọc trong lớp đá được một nhà khảo cổ nghiệp dư phát hiện ở bãi biển trên quần đảo Skye cách đây 50 năm và giao lại cho Bảo tàng Quốc gia Scotland. Đây là loài bò sát thuộc họ thằn lằn cá, hay còn gọi là "ngư long", bị diệt vong trước khủng long và được thay thế bằng cá heo cùng cá voi.
"Viện bảo tàng giữ gìn hóa thạch một cách cẩn thận trong suốt nửa thế kỷ, nhưng không đủ chuyên môn để tách nó khỏi lớp đá dày bao quanh và nghiên cứu", Brusatte cho biết. "Nhưng chúng tôi có khả năng đó và chúng tôi nhận thấy bộ xương này là hóa thạch bò sát biển hoàn chỉnh nhất từng thấy ở Scotland".
Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu phát hiện sự ấm lên toàn cầu đã xóa sổ thằn lằn cá sau 157 triệu năm thống trị đại dương. Theo Brusatte, loài vật này còn ấn tượng hơn cả quái vật hồ Loch Ness. "Mọi người không nhận ra những con quái vật biển từng thực sự tồn tại. Chúng lớn hơn, đáng sợ hơn và thú vị hơn huyền thoại quái vật hồ Loch Ness. Hóa thạch mới là một trong số đó. Nó từng sống ở Scotland cách đây 170 triệu năm", Brusatte nói.
Hóa thạch thằn lằn cá hoàn chỉnh sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thời gian thống trị và sự tuyệt chủng đột ngột của loài vật này.